Nhiều DN cũng như hiệp hội DN cho rằng, nhằm hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, Nhà nước nên xem xét giảm, giãn việc nộp thuế thu nhập DN, sau khi đã giảm 2% thuế VAT. Bởi lẽ, DN rất cần nguồn vốn này để đầu tư trở lại cho sản xuất hoặc cầm cự vượt qua khó khăn, khi mà nguồn vốn tín dụng lãi suất vẫn cao và khó tiếp cận.
Công ty GC Food tận dụng phụ phẩm làm phân bón hữu cơ, thức ăn cho gia súc. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ông NGUYỄN ĐỨC CHI - Thứ trưởng Bộ Tài chính: Đảm bảo các mục tiêu của chính sách tài khóa
Để thúc đẩy hỗ trợ cho nền kinh tế, chúng ta phải giải quyết bằng chính sách tài khóa mở rộng, như giãn, hoãn, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, nhiều sắc thuế… cho DN, cho người dân. Đứng từ góc độ Bộ Tài chính (cơ quan tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội và cho Đảng về chính sách tài khóa), tôi đánh giá chính sách tài khóa trong những năm vừa qua chính là điểm tựa, bệ đỡ cho chúng ta thực hiện các nhiệm vụ vĩ mô khác. Chúng ta vẫn còn dư địa tài khóa và vẫn đang tiếp tục sử dụng nó. Năm 2022, thu ngân sách Nhà nước vẫn đạt được như dự toán, mặc dù có giảm so với cùng kỳ, nhưng mức giảm không nhiều. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục báo cáo với Chính phủ và thực thi các giải pháp để bảo đảm thu đúng, thu đủ và đạt được các mục tiêu của chính sách tài khóa.
GS-TS HOÀNG VĂN CƯỜNG - ĐBQH, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân: Giảm lãi suất kết hợp với giảm thuế thu nhập DN
Thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam dùng chính sách tài khóa nhưng không bị rơi vào lạm phát, vẫn giảm được gánh nặng cho DN, như giảm thuế, giãn, hoãn các khoản đóng góp. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, nhằm đưa mặt bằng lãi suất thấp xuống, giúp DN có nguồn lực. Chính phủ cũng đã tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ, như quyết định ngay việc giãn, hoãn các khoản đóng góp, tiền thuế, tiền thuê… và đã đề xuất Quốc hội giảm 2% thuế VAT.
Tôi mong thời gian giảm thuế VAT kéo dài hơn, chứ không chỉ đến cuối năm 2023; đồng thời có một số chính sách hỗ trợ mạnh hơn, kết hợp với việc giảm lãi suất. Các DN xuất khẩu hiện nay đang gặp khó khăn thì chúng ta có thể một mặt điều hành chính sách tỷ giá, mặt khác giảm thuế thu nhập DN cho nhóm này. Hoặc hiện có xu thế các DN sa thải người lao động bởi ít đơn hàng, thì chúng ta phải tính tới các chính sách hỗ trợ xã hội, hay chính sách giãn, hoãn nghĩa vụ đóng góp bảo hiểm xã hội để giảm gánh nặng cho DN.
Ông NGUYỄN NGỌC HÒA Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM: Giảm thuế và nhiều chính sách để “cứu” DN
Hiện nay, nhiều DN đang sản xuất cầm chừng. Một số DN phải giảm lao động, giảm giờ làm do nhu cầu thị trường trong nước và ngoài nước đều thu hẹp. Tình hình chung của DN là cố gắng cầm cự để giữ đơn hàng và trông chờ vào những hướng đi mới. Do đó, Nhà nước không chỉ giảm thuế VAT, mà cần nghiên cứu giảm thêm các thuế khác, như thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân. Việc giảm các thuế này trước tiên cần hướng đến kích cầu nội địa, kích cầu đầu tư công. Trong bối cảnh hiện nay thì đầu tư công là cứu cánh, bởi đầu tư tư nhân, đầu tư xã hội đang thu hẹp lại. Đầu tư công sẽ là bước đi thúc đẩy quá trình phục hồi, ít nhất thì những ngành sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng sẽ sôi động lên và tạo nhiều việc làm. Ngoài ra, cũng cần chính sách tín dụng dài hạn. Lãi suất cần tiếp tục giảm, bởi nếu cứ giữ trên 10% thì DN chắc chắn sẽ không kham nổi.
Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam: Cần vốn để trữ hàng
Lúc này, Nhà nước ra các chính sách hỗ trợ là điều mà DN trân quý nhất. Thị trường vốn dĩ không thể can thiệp được, nên động thái từ Nhà nước như hỗ trợ vốn, thuế, tài chính là những giải pháp kịp thời. Hiện nay, DN nhập khẩu (khách hàng) thường trả tiền mua hàng rất chậm, nên nếu được giảm thuế, giãn thuế sẽ giúp cho DN xuất khẩu có thời gian chờ nguồn tiền về. Từ đó, DN có nguồn vốn để dự trữ hàng, chờ thị trường hồi phục hoặc chờ giá cao mới bán sản phẩm. Nếu DN thiếu vốn sẽ buộc phải bán hàng sớm, dễ bị ép giá.
Theo Bộ Tài chính, thuế thu nhập DN chiếm khoảng 14%-15% tổng thu ngân sách Nhà nước. Năm 2020, tổng thu ngân sách Nhà nước là 1,5 triệu tỷ đồng, trong đó thu thuế thu nhập DN (không kể dầu thô) là hơn 241.000 tỷ đồng, chiếm 15,99%. Chính sách thuế thu nhập DN thời gian qua có nhiều cải cách. Thuế suất phổ thông thuế thu nhập DN đã giảm từ 25% xuống 22% (từ ngày 1-1-2014), riêng doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất 20% từ ngày 1-7-2013. Từ ngày 1-1-2016, mức thuế suất thuế thu nhập DN phổ thông áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp là 20%.