Chẳng hạn, giá heo hồi tháng 9-2022 là 63.000-70.000 đồng/kg nhưng hiện còn 45.000-48.000 đồng/kg, có nơi giảm xuống 40.000-41.000 đồng/kg vẫn khó bán. 3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm so với cùng kỳ. Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng và hiện còn khó khăn hơn khi xảy ra dịch bệnh.
Nếu người chăn nuôi đua nhau “treo chuồng” không chỉ gây thiếu hụt nguồn thực phẩm cuối năm, gây bất ổn thị trường mà các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng không thể tiêu thụ được sản phẩm. Nhiều chuyên gia cho rằng, để tránh đổ vỡ chuỗi cần có biện pháp giảm chi phí nguyên liệu đầu vào bằng chính sách tạm miễn, giảm thuế nhập khẩu nhằm giúp ngành chăn nuôi cầm cự trong giai đoạn khó khăn.
Ngành chăn nuôi Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Mỗi năm, nước ta cần hơn 30 triệu tấn thức ăn chăn nuôi nhưng trong nước chỉ đáp ứng 30-35%. Chính vì vậy, nếu giá cả thế giới biến động thì giá trong nước cũng ảnh hưởng (năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi tăng 7 lần). Theo Bộ NN-PTNT, trong 3 năm qua, giá bắp đã tăng 80-95%, khô đậu tương tăng 71%. Đây lại là 2 nguyên liệu nhập nhiều nhất. Vì vậy, từ năm 2021, Bộ NN-PTNT kiến nghị giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu để dưỡng sức ngành chăn nuôi. Sau đó, Chính phủ đã chấp thuận giảm thuế nhập khẩu với lúa mì từ 3% xuống 0%, bắp từ 5% xuống 2%; riêng khô đậu tương vẫn giữ nguyên 2%. Đến tháng 10-2022, các doanh nghiệp tiếp tục có văn bản xin giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương xuống 0% và mới đây, hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội lại kiến nghị giảm thuế mặt hàng này.
Để trợ lực ngành chăn nuôi, chỉ riêng người chăn nuôi, doanh nghiệp chưa đủ mà các cấp ngành cần lên tiếng, kiến nghị các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn.