Giảm thuế, cần nhưng chưa đủ

Ngày 1-3, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng, là lần tăng thứ 6 liên tiếp tính từ giữa tháng 12-2021 đến nay. Điều này là tất yếu trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao do những bất ổn chính trị - xã hội gần dây.

Trước áp lực của giá xăng dầu lên giá cả hàng hóa, dịch vụ, phương án giảm thuế nhằm giảm giá xăng dầu đã được Chính phủ tính đến. Ngày 28-2, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chính sách thuế đối với mặt hàng xăng dầu. Đây có thể coi là giải pháp kịp thời lúc này, đáp ứng nhu cầu phục hồi kinh tế nói chung và trợ giúp các doanh nghiệp sản xuất nói riêng. Tuy nhiên, chính sách thuế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nên khi được Chính phủ thông qua, đề xuất sẽ được trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. 

Trước hết, cần nhìn nhận khách quan, trong thời gian qua, mặc dù xu hướng tăng giá của xăng dầu là thường xuyên nhưng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, liên bộ Tài chính - Công thương đã thực hiện các biện pháp điều chỉnh linh hoạt để kìm giữ giá xăng dầu tăng chậm hơn mức tăng của thị trường thế giới. Cả giai đoạn dài cuối năm 2021, giá xăng Việt Nam tăng chậm hơn giá xăng quốc tế đến 12%. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu đã âm Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Theo các số liệu của Bộ Tài chính, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam hiện khoảng 38% và với dầu diesel từ mức khoảng 20% - mức thấp so với nhiều nước và tiếp tục thấp đi (do thuế bảo vệ môi trường tính cố định tối đa 4.000 đồng/lít, với xăng ở mức khoảng 3.500 đồng/lít, khi giá xăng tăng thì tỷ lệ thuế bảo vệ môi trường trong giá cơ sở càng thấp). Tỷ lệ thuế trên giá xăng của một số nước trong khu vực và có quan hệ kinh tế với Việt Nam như Campuchia khoảng 49%, Lào khoảng 56,5%, Philippines khoảng 49,5%, Trung Quốc khoảng 52%, Hàn Quốc khoảng 63,18%, Singapore khoảng 67%... 

Ở khía cạnh vĩ mô, giảm thuế xăng dầu sẽ làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước, giảm khả năng chi tiêu của Chính phủ cho các mục tiêu hồi phục và phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và hỗ trợ an sinh xã hội, giúp đỡ những nhóm lao động yếu thế trong xã hội. Cho nên việc giảm thuế xăng dầu chỉ nhằm hỗ trợ hồi phục kinh tế là chính sách trong giai đoạn trước mắt. Còn thuế là chính sách dài hạn, cần sự ổn định trong thời gian nhất định. 

Mặt khác, để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi kinh tế, chỉ giảm thuế xăng dầu thôi chưa đủ. Quan trọng vẫn cần có các biện pháp hỗ trợ đúng đối tượng, đúng mức độ, đúng thời gian, góp phần giảm bớt các khó khăn cho các chủ thể trong giai đoạn hồi phục kinh tế. Chính phủ cần xem xét việc miễn, giảm các chi phí về kiểm định, xe lăn bánh, logistics, kho bãi, bến cảng, điểm đỗ, sân bay…; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để ổn định thị trường. 

Để giảm bớt khó khăn, bản thân các doanh nghiệp cũng cần tính toán đưa chi phí xăng dầu vào hàng hóa, dịch vụ của mình. Rất khó để giảm giá xăng dầu theo yêu cầu của một số cá nhân và doanh nghiệp. Bởi vì “nước nổi bèo nổi”, giá xăng dầu Việt Nam phụ thuộc vào giá thế giới và phải điều chỉnh theo sự biến động của giá xăng dầu thế giới. Việt Nam đã đi theo nền kinh tế thị trường nên tất yếu thị trường xăng dầu cũng cần thực hiện theo các yêu cầu của kinh tế thị trường.

PGS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH
Học viện Tài chính

Tin cùng chuyên mục