Trong đó, dự án BOT QL1 đoạn tránh TP Thanh Hóa được điều chỉnh giảm thời gian thu phí nhiều nhất, 20 năm 1 tháng.
Cụ thể, công trình này có tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 822 tỷ đồng, thời gian thu phí theo hợp đồng BOT là 27 năm 8 tháng. Sau khi hoàn thành quyết toán 100%, giá trị thỏa thuận quyết toán là 718 tỷ đồng, thời gian thu phí của dự án đã được điều chỉnh giảm xuống còn 7 năm 7 tháng.
Bên cạnh đó, nhiều dự án khác cũng được Bộ GTVT điều chỉnh kéo giảm thời gian thu phí sau khi đã thỏa thuận quyết toán, như Dự án QL10 đoạn cầu Tân Đệ đến cầu La Uyên Km92+900 - Km98+400 (giảm 9 năm 6 tháng), dự án cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu (giảm 8 năm 7 tháng)... Dự kiến đến 30-6-2017 sẽ hoàn thành công tác quyết toán và công bố thời gian thu phí chính thức của 54 dự án BOT đã hoàn thành và đưa vào khai thác.
Cầu Mỹ Lợi nhìn từ xa. Ảnh: Đăng Nguyên
° Thông tin từ Bộ GTVT cũng cho biết, riêng dự án BOT cầu Mỹ Lợi, QL50 phải kéo dài thời gian thu phí thêm 16 năm 2 tháng.
Dự án này có tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu là 1.438,95 tỷ đồng, thời gian hoàn vốn dự kiến 28 năm 4 tháng. Tuy nhiên, sau khi thỏa thuận quyết toán, thời gian thu phí của dự án phải điều chỉnh kéo dài lên 44 năm 6 tháng, do lưu lượng xe thực tế và doanh thu thu phí thấp hơn nhiều so với phương án tài chính.
Cụ thể, theo phương án tài chính, trong năm 2016, bình quân dự án phải thu được 120 triệu đồng/ngày, nhưng thực tế chỉ đạt 80 triệu đồng/ngày. Việc lưu lượng xe sụt giảm so với dự báo, đại diện chủ đầu tư cho rằng, các khu công nghiệp trên địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Long An chưa hình thành, đặc biệt dự án QL50 mới chỉ GPMB được một phần rồi phải dừng lại vì quá khó khăn về kinh phí GPMB, dẫn tới lưu lượng xe qua cầu Mỹ Lợi không đạt được như tính toán ban đầu, chỉ đạt 60% dự báo.