Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng các nghị định phải bảo đảm đồng bộ với các quy định của Đảng về tuyển dụng, quản lý, sử dụng, đánh giá, kỷ luật... đối với cán bộ, công chức, viên chức; thu gọn đầu mối các văn bản quy định trong lĩnh vực cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện; giảm thiểu thủ tục hành chính, văn bằng, chứng chỉ.
Lâu nay, vấn đề văn bằng chứng chỉ đã được đề cập rất nhiều. Do cán bộ, công chức, viên chức bị áp lực phải có đủ văn bằng chứng chỉ nên thực tế đã diễn ra rất nhiều những chiêu trò, vấn nạn “học giả, chứng chỉ thật” trong việc cấp phát chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.
Trên thực tế, có nhiều người không biết tiếng Anh, tin học hoặc chỉ biết “bập bẹ”, nhưng vẫn nộp tiền đi thi rồi tìm cách gửi gắm cho đậu. Bởi những tấm chứng chỉ là “giấy thông hành” để thi viên chức, hoặc đạt các tiêu chuẩn thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Tính hình thức của các văn bằng chứng chỉ được ví dụ rõ ràng nhất qua tình huống đã từng xảy ra với các giáo viên hợp đồng của Hà Nội và nhiều địa phương khác, khi họ đáp ứng được các chứng chỉ về ngoại ngữ, tin học, nhưng công khai từ chối thi vào biên chế vì khẳng định mình sẽ trượt.
Thật phi lý khi với các quy định hiện hành, giáo sư đã dạy học suốt đời cũng phải thi chứng chỉ sư phạm. Quy định về văn bằng, chứng chỉ đối với giáo viên là một quy định đại trà, có tính cào bằng, vì giáo viên vùng cao cũng yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng thừa nhận, với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết. Bởi những yêu cầu này cần lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp và được quy định trong chuẩn nghề nghiệp. Thế nhưng, tình trạng này tồn tại trong suốt thời gian dài khiến xã hội bức xúc và nghị trường Quốc hội cũng không ít lần “nóng” lên. Lần trả lời chất vấn trước Quốc hội gần đây nhất, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã thừa nhận tình trạng phiền hà của “văn bằng, chứng chỉ” và nhận khuyết điểm vì để vấn nạn chứng chỉ làm khổ công chức suốt nhiều năm qua.
Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên từ ngày 15-1-2020. Đó là một tin vui với đội ngũ giáo viên trong cả nước. Nhưng không chỉ thế, những văn bằng, chứng chỉ không cần thiết đối với cán bộ, công chức, viên chức nói chung cần được loại bỏ như cam kết của Bộ trưởng Bộ Nội vụ với Quốc hội. Sau khi Luật sửa đổi bổ sung Luật Cán bộ công chức có hiệu lực sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch cán bộ, công chức, viên chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ hồ sơ thủ tục nào.
Nhiều văn bằng, chứng chỉ để làm gì nếu không phục vụ cho công việc chuyên môn? Điều quan trọng là cán bộ, công chức, viên chức cần đạt trình độ để áp dụng trong công việc chuyên môn của mình thay vì các văn bằng, chứng chỉ “trang sức”.
Khi yêu cầu chuyên môn hóa ngày càng cao, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức cần được thể hiện một cách thực chất. Chứng chỉ, văn bằng chỉ là điều kiện cần, không thể được dùng để đánh giá năng lực của mỗi con người, song hành với đó phải là những tiêu chí, điều kiện khác. Về phía Nhà nước, cũng cần trao quyền cho các cơ quan tuyển dụng được có tiêu chí đánh giá và yêu cầu riêng của họ. Các tiêu chí đó có thể là vòng phỏng vấn hoặc thử việc, từng cơ quan sẽ căn cứ vào quá trình lao động, làm việc của cá nhân để quyết định tuyển dụng hay không. Cuối cùng, cần kiểm soát, tổ chức thi chứng chỉ chặt chẽ để tránh trường hợp lợi dụng để đi mua bằng, chạy bằng.