Kết thúc chuyến công du Trung Quốc vào ngày 31-7, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh, mong muốn của Pháp là độc lập hơn về kinh tế trong một số lĩnh vực nhất định. Theo Bộ trưởng Le Maire, khái niệm “giảm thiểu rủi ro” phổ biến trong những tháng gần đây ở nhiều nước phương Tây không có nghĩa Trung Quốc là rủi ro, mà là Pháp và phương Tây nói chung muốn độc lập hơn để không phải rơi vào tình trạng lệ thuộc vào một số sản phẩm cụ thể như đã từng trải qua trong thời đại dịch Covid-19.
Ông Le Maire hoàn toàn bác bỏ một xu hướng từng được nêu lên trong vài năm gần đây là cần phải tách rời (tức cắt đứt quan hệ) với nền kinh tế Trung Quốc. Việc tách rời chỉ là “ảo tưởng” và “không thể nào cắt đứt mọi sợi dây giữa các nền kinh tế Mỹ, châu Âu và Trung Quốc”.
Chủ trương của Pháp không đơn độc. Trước đó, Đức - quốc gia có Trung Quốc là đối tác thương mại chính, đồng thời là thị trường ô tô quan trọng của Berlin - đã xác định mong muốn đa dạng hóa các đối tác của mình để “giảm thiểu rủi ro” khi quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Các nước phương Tây khác cũng có quan điểm tương tự như Đức.
Trong đó, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni còn cho biết, chính phủ nước này đang cân nhắc về Sáng kiến Vành đai và Con đường, vốn đã được Italy ký kết với Trung Quốc năm 2019. Khi chấp thuận tham gia sáng kiến của Trung Quốc, Thủ tướng Italy lúc bấy giờ, ông Giuseppe Conte, hy vọng thỏa thuận sẽ thúc đẩy nền kinh tế đất nước. Thế nhưng, theo ghi nhận của hãng tin Reuters, trong 4 năm qua, thỏa thuận này không mang lại lợi ích mong muốn, với xuất khẩu của Italy sang Trung Quốc chỉ tăng nhẹ, trong khi xuất khẩu của Trung Quốc vào Italy tăng vọt.
Mỹ cũng ủng hộ việc giảm thiểu rủi ro trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc một cách dứt khoát hơn. Trong một phát biểu vào tháng 4 vừa qua, Cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan giải thích rằng, về cơ bản, “giảm rủi ro” là duy trì những đường dây cung cấp lâu dài để không phải phụ thuộc vào một quốc gia nào.