Đó là những điểm đáng lưu ý trong báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây.
Trong khi đó, tại báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2022 vừa được VCCI công bố, chỉ 35% DN tư nhân và 33% DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dự định mở rộng sản xuất - kinh doanh trong vòng 2 năm tới. Điều này phản ánh tình hình kém lạc quan, niềm tin kinh doanh của DN thấp, trong bối cảnh hơn 60.000 DN đã rút lui khỏi thị trường trong quý 1-2023. Thời gian qua, chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, Quốc hội đã được ban hành rất nhiều, nhưng theo phản ánh từ DN, điểm đáng lo vẫn là chất lượng thực thi các chính sách này của các địa phương.
Năm 2022, Việt Nam có đến 98% trong số 870.000 DN là DN nhỏ và vừa. Nếu cộng 5,1 triệu hộ kinh doanh cá thể thì thành phần kinh tế tư nhân của Việt Nam chủ yếu là kinh doanh nhỏ lẻ. Theo các chuyên gia, muốn có được những tập đoàn, DN lớn, có khả năng cạnh tranh quốc tế thì môi trường đầu tư, kinh doanh phải ổn định, đặc biệt là giảm các rủi ro pháp lý, khả năng dự đoán được của quy định pháp luật cùng hiệu quả thực thi chính sách.
Các dự án đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo thường có tổng vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập niên. Do đó, nhà đầu tư các dự án lớn luôn đòi hỏi tính ổn định và khả năng dự đoán của môi trường pháp lý trước khi quyết định đầu tư. Nếu môi trường pháp luật không ổn định, khó dự đoán tức là rủi ro pháp lý cao.
Ở góc độ khác, tính ổn định của pháp luật rất quan trọng đối với các dự án đầu tư; tuy nhiên, cũng không thể đòi hỏi một hệ thống pháp luật đứng yên mãi mãi mà cần có sự điều chỉnh khi các điều kiện xã hội thay đổi, hoặc những vướng mắc cần có sự điều chỉnh phù hợp hơn. Chính vì vậy, các chuyên gia, DN cho rằng, để giảm thiểu rủi ro thay đổi quy định của pháp luật, cách diễn giải khác nhau thì cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến DN khi soạn thảo văn bản pháp luật; thực hiện tốt hơn việc cung cấp thông tin chính sách, pháp luật cho DN; tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh; bảo đảm nguyên tắc không hồi tố bằng quy định chuyển tiếp hợp lý; nguyên tắc tiền lệ, đồng bộ trong thực thi công vụ…
Tăng tính ổn định và dự đoán được của pháp luật, giảm rủi ro pháp lý cùng chất lượng thực thi chính sách là một trong những biện pháp quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh.