Ngay sau khi UBND TPHCM phát đi chỉ thị về tăng cường vận động hiến máu tình nguyện năm 2018, nhiều cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, sinh viên các trường và nhân dân TP đã nhiệt tình hưởng ứng. Những giọt máu hồng đã được chia sẻ một cách thiết thực, ý nghĩa, đáp ứng một phần nhu cầu về máu trong cấp cứu và điều trị cho bệnh nhân tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn TPHCM.
Thắp lên ngọn lửa nhân ái
Trước thực tế nhu cầu máu dành cho cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại TPHCM trong dịp tết luôn ở mức cao, nhiều người dân đã đến các địa điểm tiếp nhận máu lưu động của Trung tâm Hiến máu nhân đạo (Hội Chữ thập đỏ TPHCM) để đăng ký hiến máu. Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (56 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh) cho biết đây là lần thứ 88 bà đăng ký tham gia hiến máu nhân đạo.
Nhớ lại những ngày đầu tham gia, bà kể: Trong một lần tình cờ đi thăm người bạn nằm điều trị tại BV Đa khoa Bình Dương, thấy những người bệnh khác đang quắt quay tìm sự sống do thiếu máu. Xót thương trước những hoàn cảnh đó, bà đã tự mình hỏi và tìm hiểu quy trình hiến máu nhân đạo.
“Tôi không có nhiều tiền, nhưng tôi có sức khỏe. Ban đầu, người nhà phản đối dữ lắm, mỗi lần đi, gia đình đều ngăn cấm, sợ bệnh hoạn, lây nhiễm. Sau mỗi lần đi hiến máu, tôi thấy khỏe khoắn, lạc quan nên gia đình cũng bớt ngăn cản, rồi dần dà khuyến khích vận động mình tham gia”, bà Nhàn vui vẻ cho hay. Từ đó, đều đặn 3 tháng/lần bà lại rong ruổi tìm những địa chỉ có tiếp nhận máu, kêu gọi mọi người đăng ký tham gia.
Các cán bộ, công nhân viên, phóng viên Báo SGGP tham gia hiến máu ngày 29-1-2018. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Là chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Hành trình đỏ TPHCM, anh Huỳnh Văn Hiếu khá say sưa và tâm huyết với phong trào hiến máu tình nguyện. Anh Hiếu kể, từng lăn xả trên mỗi cung đường cùng đoàn Hành trình đỏ quốc gia đến nhiều địa phương, thấy tình trạng khan hiếm máu diễn ra rất thường xuyên.
Xót xa trước hoàn cảnh đó, anh Huỳnh Văn Hiếu đã mạnh dạn thành lập CLB Hành trình đỏ TPHCM để vận động tuyên truyền hiến máu, mở rộng tầm hiểu biết của người dân về ý nghĩa và lợi ích của việc hiến máu.
CLB được thành lập vào năm 2013, đến nay CLB có từ 40-50 thành viên chính thức cùng lượng cộng tác viên rất hùng hậu. Định kỳ 3 tháng/lần, CLB tổ chức kêu gọi các thành viên tham gia hiến máu.
“CLB cũng thường xuyên túc trực sẵn sàng bổ sung nguồn máu vào các đợt cao điểm thiếu máu, khan hiếm máu, những sự kiện diễn ra bất thường tại TPHCM. Mỗi lần tổ chức, CLB thường tiếp nhận từ 600-700 đơn vị máu, đóng góp một lượng máu không nhỏ cho công tác khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn”, anh Huỳnh Văn Hiếu cho hay.
Tăng cường công tác hiến máu
Thống kê của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, trong năm 2017 đã tiếp nhận được trên 303.000 đơn vị máu, trong đó tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện là 297.545 đơn vị máu, tăng 6% so với năm 2016. Trong số này có tới hơn 62% lượng máu tiếp nhận được tại Hà Nội; 31,2% tiếp nhận từ 19 tỉnh, thành phố khác ở khu vực phía Bắc và 6,1% lượng máu được tiếp nhận từ các tỉnh miền Trung, miền Nam.
Để có được lượng máu trên, viện cũng đã tổ chức trên 1.750 buổi tiếp nhận máu tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố, cùng rất nhiều hoạt động, chương trình vận động hiến máu tình nguyện.
Tại TPHCM, theo bác sĩ Trần Như Tố, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo TPHCM, trong năm 2017 TP tiếp nhận được 251.148 đơn vị máu (đạt 91,03% chỉ tiêu của Trung ương giao).
Trong đó, Trung tâm Hiến máu nhân đạo tiếp nhận được 204.638,2 đơn vị máu và BV Truyền máu Huyết học tiếp nhận 46.509,8 đơn vị máu. Mặc dù lượng máu tiếp nhận phục vụ công tác điều trị tăng đều hàng năm, số người hiến máu tình nguyện chiếm hơn 90%, nhưng lượng máu khan hiếm vẫn thường xảy ra vào dịp hè và dịp Tết Nguyên đán là do lượng máu tiếp nhận được chủ yếu vẫn dựa vào lực lượng sinh viên ở các trường đại học, cao đẳng, đơn vị quân đội, công an và một số doanh nghiệp.
Hơn nữa, hiện tỷ lệ người hiến máu ở nước ta mới đạt khoảng 1,6% dân số, trong khi theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì cần ít nhất 2% dân số tham gia hiến máu mới bảo đảm đủ máu phục vụ công tác điều trị, cấp cứu và an toàn truyền máu.
Đặc biệt, thời gian tới, cần phải tăng tỷ lệ người hiến máu nhắc lại. Bởi lẽ, hiện nay ở nước ta, số người hiến máu nhắc lại mới chỉ ở mức từ 40%-45%, trong khi ở nhiều nước khác tỷ lệ này là 75%-85%.
WHO đưa ra khuyến cáo, nguồn máu nhắc lại là những đơn vị máu chất lượng nhất vì qua lần hiến máu đầu tiên, họ đã biết rõ tình trạng nhóm máu của bản thân và cách để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe thế nào để nguồn máu của mình tốt nhất. Nếu tăng được tỷ lệ hiến máu nhắc lại cùng với việc tăng cường các chế độ quan tâm, chăm sóc người hiến máu, chắc chắn sẽ đảm bảo được nguồn máu bền vững cho người bệnh.
Đã có máu hiến, sao phải mua?
Theo thống kê mới nhất của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, 95% lượng máu dùng cho điều trị hiện nay là của người tình nguyện hiến tặng. Một câu hỏi được đặt ra, tại sao có 95% máu được hiến tặng tình nguyện, người bệnh được nhận máu vẫn phải trả tiền?
Trả lời thắc mắc này, ông Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết: Một đơn vị máu được nhận về sẽ trải qua 2 bước sàng lọc. Bước 1 là sàng lọc phát hiện kháng thể các bệnh lây qua đường máu như viêm gan B, C, HIV...Sau bước sàng lọc kháng thể, toàn bộ các đơn vị máu âm tính sẽ trải qua bước sàng lọc thứ 2 là sàng lọc bằng kỹ thuật sinh học phân tử.
Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng quản lý và sàng lọc đảm bảo an toàn truyền máu theo yêu cầu của quốc tế. Nhờ áp dụng các kỹ thuật mới, việc sàng lọc hiệu quả hơn. Với công nghệ như hiện nay, chi phí người bệnh chi trả cho việc nhận máu tương đương chi phí điều chế, bảo quản, sàng lọc...