Đáng lo ngại vậy, song nhiều garage trên địa bàn TPHCM hiện nay đều hoạt động trong tình trạng không đảm bảo PCCC, đẩy nguy cơ cháy nổ ở đối tượng này lên mức báo động.
Bất chấp nguy hiểm
Lúc 13 giờ 45 chiều 14-4-2019, garage ô tô One Plus Auto Center (số 792-794 đường Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TPHCM) xảy ra cháy. Do bên trong có nhiều hóa chất, xăng dầu nên đám cháy nhanh chóng bùng phát dữ dội.
Chỉ 15 phút sau khi xảy ra cháy, một số mảng trần, tường của garage bị đổ sập, lửa bắt đầu cháy lan sang những căn nhà xung quanh. Ngọn lửa đã thiêu rụi gần 10 ô tô trong garage, một căn nhà đồng thời là tiệm Internet và 10 phòng trọ bên cạnh.
Đến nay, vụ cháy đã trôi qua hơn 2 tháng, song hậu quả vẫn chưa được khắc phục; việc sinh hoạt, kinh doanh của người dân có nhà bị ảnh hưởng trong vụ cháy bị ngưng trệ, đảo lộn.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, chủ tiệm Internet và dãy phòng trọ bị cháy, than: “Toàn bộ nhà cửa, vật dụng, máy móc nhà bị cháy mà chủ garage vẫn không bồi thường, bảo chờ kết quả điều tra, nhưng chờ đến bao giờ thì không biết. Trong khi gia đình tôi không có chỗ ở, kinh doanh, hàng tháng còn phải trả hàng chục triệu đồng thuê chỗ ở mới cho người ở trọ”.
Hậu quả từ các vụ cháy garage ô tô đáng lo ngại vậy, song tình trạng vi phạm các quy định về PCCC tại các garage ô tô hiện nay vẫn diễn ra tràn lan.
Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP tại nhiều garage ô tô trên địa bàn TPHCM như garage Tuấn C. trên đường Phạm Hùng (huyện Bình Chánh), garage Minh C. ở góc đường Dương Quang Đông (quận 8), garage ô tô Trường H. trên đường Nguyễn Thị Định (quận 2)… đều không được chủ cơ sở lắp đặt tường ngăn lửa (chống cháy lan) và hệ thống PCCC tự động, không trang bị đủ bình chữa cháy xách tay dù garage rộng hơn 50m2, các mối điện không được đấu nối đúng kỹ thuật…
Một số cơ sở có trang bị thiết bị chữa cháy tại chỗ, bình CO2, tuy nhiên các thiết bị này không được bảo trì, bảo dưỡng theo quy định. Có garage trang bị nhưng lại để ở nơi khó lấy.
Lý giải về việc để tồn tại các lỗi vi phạm về PCCC, ông Hoàng Thanh Tùng, quản lý garage Tuấn C. trên đường Phạm Hùng, nói: “Vẫn biết để những tồn tại này là nguy hiểm, tuy nhiên phần đất hoạt động garage là do chủ thuê của đơn vị khác. Thời gian thuê có hạn, không có tính ổn định lâu dài nên chủ cơ sở không xây dựng garage kiên cố, không xây tường ngăn lửa, không lắp đặt hệ thống chữa cháy tự động”.
Một số chủ garage khác tỏ ra xem nhẹ mối nguy hiểm cháy nổ khi cho rằng: “Xui lắm mới cháy. Hơn nữa, trong garage luôn có nhân viên, nếu có hỏa hoạn sẽ dập ngay, đầu tư làm gì để tốn tiền”.
Không để garage hoạt động trong khu dân cư
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (PC07) - Công an TPHCM, việc đầu tư garage với kết cấu tạm bợ, không lắp đặt hệ thống PCCC là rất nguy hiểm. Các tồn tại này không chỉ làm gia tăng nguy cơ cháy, mà khi xảy ra cháy còn sẽ rất nguy hiểm cho nạn nhân (trường hợp có người mắc kẹt trong đám cháy) và cả lực lượng chữa cháy; bởi với kết cấu tạm, sau khi cháy khoảng 20 - 30 phút khung nhà sẽ bị biến dạng do sức nóng và sập đổ.
Phòng PC07 cho biết, từ đầu năm 2019 đã tham mưu cho Công an TPHCM yêu cầu công an các quận huyện lập chuyên đề kiểm tra PCCC đối với các garage ô tô. Trong đó, tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm: tồn trữ chất cháy (hóa chất, xăng dầu…) vượt số lượng cho phép; không lắp đặt hệ thống PCCC tự động; không có tường ngăn lửa; vi phạm về điện; không vệ sinh công nghiệp; không bảo trì, bảo dưỡng thiết bị PCCC…
Bên cạnh đó, Phòng PC07 - Công an TPHCM cũng tăng cường các đợt tập huấn, phổ biến kiến thức PCCC, kỹ năng chữa cháy, cứu nạn cho chủ và nhân viên các cơ sở garage ô tô.
Trong khi đó, UBND một số quận huyện kiến nghị TPHCM cần nghiên cứu, có quy định không cấp phép garage ô tô hoạt động trong khu dân cư, đồng thời có biện pháp di dời các garage hiện có trong khu dân cư ra ngoài. Như vậy sẽ giảm thiểu nguy cơ cháy nổ cũng như mức thiệt hại khi sự cố, tai nạn cháy nổ xảy ra ở garage ô tô.