Giảm tải cho giáo viên ở Nhật Bản

Kể từ khi thực hiện Dự án quốc gia cải cách phong cách, điều kiện làm việc của giáo viên từ tháng 3-2021, đến nay, điều kiện làm việc của giáo viên ở Nhật Bản đã cải thiện rõ rệt. 
Một lớp học ở Nhật Bản
Một lớp học ở Nhật Bản

Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (MEXT) đã nỗ lực tuyên truyền các điển hình về nỗ lực cải cách điều kiện làm việc của giáo viên trên toàn quốc theo dự án trên trong một năm thực hiện. Ví dụ như việc thuê giáo viên đã nghỉ hưu chấm và nhập điểm kiểm tra giúp giảm 107 giờ làm việc cho mỗi giáo viên/năm; hay thuê đơn vị tư nhân bên ngoài thực hiện các hoạt động ngoại khóa vào ngày nghỉ, ngày lễ giúp giảm 129 giờ làm việc của mỗi giáo viên/năm. Công nghệ thông tin đã được ứng dụng để giảm tải cho giáo viên như liên kết trực tuyến với phụ huynh giúp giảm thời gian làm việc ngoài giờ của giáo viên, những người vốn trước đó thường phải in thông tin và mang đến tận nhà cho học sinh.

Tuy nhiên, mức độ bao phủ dự án này còn thấp và tiến độ triển khai còn chậm. Số liệu khảo sát mới nhất của MEXT thực hiện với các hội đồng giáo dục trên toàn quốc trong năm vừa qua cho thấy tỷ lệ giáo viên phải làm việc nhiều hơn quy định 45 giờ/tháng ở bậc trung học là 60% và ở bậc tiểu học là 50%. Tình trạng làm việc quá tải đã khiến số giáo viên trầm cảm tăng 5.000 trường hợp trong năm thứ 4 liên tiếp, gây thiếu hụt nghiêm trọng giáo viên tiểu học và trung học ở các trường công lập. Theo Japan Times, tỷ lệ lớn giáo viên trường tiểu học và THCS công lập ở Nhật Bản đang làm việc ít nhất 60 giờ/tuần đang làm dấy lên lo ngại chất lượng giáo dục tại Nhật Bản. 

Theo nghiên cứu, 73% giáo viên tiểu học và 87% giáo viên THCS có số giờ làm việc cao hơn nhiều so với bác sĩ và lao động ở các ngành nghề khác. Đặc biệt, giáo viên THCS phải chịu trách nhiệm giám sát cả các hoạt động câu lạc bộ thể thao có xu hướng bị quá tải; 15% trong số họ phải đến trường trước 7 giờ và 22% ra về sau 21 giờ - theo nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Nghiên cứu nâng cao tiêu chuẩn sống. Luật Tiêu chuẩn lao động của Nhật Bản quy định số giờ làm việc theo luật định là 40 giờ/tuần và 8 giờ/ngày.

Trong nghiên cứu cho thấy không có giáo viên nào làm việc ít hơn 50 giờ/tuần. Sawako Yufu, giảng viên Đại học Waseda, cảnh báo rằng nếu tình trạng quá tải tiếp diễn sẽ bất lợi cho hệ thống giáo dục công lập. “Giáo viên vì quá mệt mỏi do giờ làm việc kéo dài sẽ dần đánh mất sự nhiệt tâm giảng dạy. Họ phải hy sinh cuộc sống riêng tư và còn quá ít thời gian để trao đổi nâng cao nghiệp vụ, điều này cuối cùng sẽ dẫn tới suy giảm chất lượng giáo dục”.

Theo phó giáo sư Naoko Fukushima thuộc Học viện Công nghệ Chiba - người theo dõi sát việc vận hành của Dự án quốc gia về cải cách phong cách, điều kiện làm việc của giáo viên - bản chất của việc giảm gánh nặng của mỗi giáo viên không chỉ là giảm khối lượng công việc mà phải tăng số lượng nhân sự. Điều này chưa thể đạt được do mức độ đảm bảo của ngân sách còn hạn chế. Ông cho rằng đã đến lúc chính phủ phải nhìn nhận việc loại bỏ gánh nặng cho giáo viên sẽ góp phần trực tiếp cải thiện chất lượng giáo dục dành cho trẻ em Nhật Bản, từ đó đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách điều kiện làm việc của giáo viên.

Hiện các trường tiểu học ở Nhật Bản đang chuẩn bị nguồn giáo viên để năm 2025 mỗi lớp chỉ còn 35 học sinh, giảm 5 em so với hiện nay. Đây là đợt giảm quy mô lớp tiểu học lớn nhất quốc gia trong vòng 40 năm qua. Việc giảm sĩ số lớp được thực hiện từng bước, bắt đầu với các lớp thấp.

Tin cùng chuyên mục