Theo đó, chính phủ sẽ chi khoảng 900 tỷ yen (6,33 tỷ USD) để trợ cấp trực tiếp 50.000 yen (350USD) cho mỗi gia đình có thu nhập thấp được miễn thuế cư trú. Chính phủ cũng gia hạn chương trình trợ cấp cho nhà nhập khẩu và bán buôn xăng dầu thêm 3 tháng, tới cuối năm nay, nhằm duy trì ổn định giá nhiên liệu trong nước. Giá bán lúa mì nhập khẩu cho các nhà máy xay xát cũng được giữ nguyên với hy vọng kiềm chế đà tăng giá mặt hàng thực phẩm thiết yếu.
Trong quý 4-2022, chi phí đối với các loại thức ăn tổng hợp cho gia súc sẽ được duy trì ở mức như hiện nay để hỗ trợ nông dân.
Gói biện pháp này nhằm khẳng định một trong những ưu tiên hiện nay của Chính phủ Nhật Bản là bảo vệ sinh kế và hoạt động kinh doanh của người dân trong bối cảnh giá cả toàn cầu tăng cao. Thủ tướng Kishida Fumio cũng chỉ thị các quan chức chính phủ soạn thảo gói kích thích kinh tế toàn diện hơn vào tháng tới, trong bối cảnh giới chuyên gia kinh tế dự báo đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới có thể chậm lại do giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng cao.
Từ đầu năm tới nay, giá cả nhiều mặt hàng ở Nhật Bản đã liên tục tăng, chủ yếu do sự mất giá của đồng yen, xung đột Nga - Ukraine, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung và sự đứt gãy của một số chuỗi cung ứng do tác động của dịch Covid-19. Trong tháng 7-2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,2% so với tháng trước và cao nhất kể từ tháng 12-2014.
Đây là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số này cao hơn mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), dù so với các nền kinh tế lớn khác, lạm phát ở Nhật Bản vẫn khá thấp. Giới phân tích dự báo BOJ có thể sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng, khiến đồng yen liên tục mất giá so với USD và EUR, nhằm hỗ trợ đà phục hồi của kinh tế nước này.