Mặc dù là quốc gia nhỏ nhưng Việt Nam có tỷ lệ xả rác thải nhựa ra đại dương đứng thứ 4 thế giới với khoảng 1,8 triệu tấn/năm. Ô nhiễm không khí đã khiến Việt Nam mất đi khoảng 5,18% GDP, ô nhiễm nguồn nước cũng có thể gây thiệt hại tới 3,5% GDP.
Một nghiên cứu của Học viện Chính trị Hồ Chí Minh khu vực II cũng chỉ ra rằng, từ thế kỷ XX, sự gia tăng nhanh dân số và trước những sức ép của tăng trưởng, nhu cầu tiêu thụ các nhiên liệu và năng lượng làm gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu.
Nếu cứ tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống (khai thác tài nguyên từ môi trường tự nhiên làm đầu vào cho hệ thống kinh tế qua quá trình sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải loại ra môi trường) thì nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ tăng 3 lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất, lượng chất thải sẽ vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường. Điều này dẫn đến yêu cầu cấp bách phải tìm ra mô hình kinh tế hợp lý và hiệu quả hơn về sử dụng tài nguyên, giảm tác động đến môi trường.
Các chuyên gia và nhà khoa học khẳng định, kinh tế tuần hoàn chính là một giải pháp khá toàn diện bên cạnh các mô hình kinh tế xanh, kinh tế phát thải carbon thấp. Kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường.
Theo TS Phạm Công Khanh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, để thực hiện phát triển nhanh, bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường, chuyển đổi từ các mô hình kinh tế truyền thống sang kinh tế tuần hoàn là hướng đi thích hợp, tất yếu trong bối cảnh hiện nay.
Phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại nhiều lợi ích trong việc tiết kiệm tài nguyên, hạn chế xả thải ra môi trường. Với chu trình khép kín, các chất thải được quay trở lại, trở thành nguyên liệu cho sản xuất, từ đó giảm mọi tác động tiêu cực đến môi trường. Kinh tế tuần hoàn dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”...
Theo ước tính thực tế tại châu Âu, mỗi năm kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra 600 tỷ EUR, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính. Có thể khẳng định kinh tế tuần hoàn sẽ là một ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo, sẽ đồng hành cùng kinh tế số trong nhiều thập niên tới. Kinh tế tuần hoàn là lời giải cho bài toán phát triển bền vững của Việt Nam; là cứu tinh của khủng hoảng rác thải sinh hoạt và khủng hoảng môi trường.
TS Phạm Công Khanh cũng cho rằng, việc chuyển đổi từ một nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi cả hệ thống mà trước hết là nhận thức và hành động của những người làm chính sách và các doanh nghiệp.
Đồng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn, cho rằng, để có thể phát triển nền kinh tế theo hướng tuần hoàn rất cần sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc ban hành các chính sách, thể chế, định hướng. Đối với các doanh nghiệp, cần đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất. Đối với người tiêu dùng, cần thay đổi thói quen và hành vi mua sắm, hướng đến tiêu dùng xanh bền vững.