Doanh nghiệp nhỏ chịu tác động
Theo thống kê về chỉ số giá vận chuyển container của trang Drewry (Trung tâm Nghiên cứu hàng hải độc lập), đầu tháng 5-2024, giá dịch vụ vận tải container tăng nhanh trở lại. Hiện tại, mức giá trung bình đã cao hơn 17% so với tháng 1-2024. Trong đó, giá cước vận chuyển hàng hóa container tuyến châu Á đi châu Âu và Mỹ có mức tăng lớn nhất. Bà Nguyễn Thị Thương, Trưởng phòng Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, thông tin, giá cước vận tải biển container được điều tiết theo thị trường quốc tế. Việt Nam là một mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, do vậy giá cước vận tải của Việt Nam cũng bị điều chỉnh theo giá chung của thị trường thế giới.
Giá cước vận tải biển tăng đang khiến nhiều DN xuất khẩu hàng nông sản điêu đứng. Do lượng hàng không ổn định, mang tính mùa vụ, các DN xuất khẩu nông sản thường ký hợp đồng ngắn hạn, dẫn đến bị tác động khi giá cước vận tải tăng.
Ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc Tập đoàn Phúc Sinh, chia sẻ, từ tháng 4 đến nay, cước vận tải biển từ cảng ở TPHCM đi Mỹ, châu Âu tăng tới 300% so với cùng kỳ, từ 2.950 USD lên 7.350 USD/container loại 40 feet và tiếp tục tăng thêm. Hiện mỗi container hàng xuất bến của DN đi thị trường châu Âu, Mỹ này phải bù thêm 5.000 USD do bán hàng theo hình thức CIF (bên bán chịu chi phí vận chuyển). Nghĩa là, nếu xuất khẩu 100 container/tháng, DN phải bù thêm 500.000 USD (gần 13 tỷ đồng). Ông Hoàng Nguyên Hải, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hải An (TP Hà Nội), lo ngại, nếu cố tình chậm đơn hàng để tránh thiệt hại, DN có nguy cơ bị phạt hợp đồng, thậm chí mất đơn hàng.
Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam dự báo, giá vận chuyển trong thời gian tới có thể còn tăng cao khi hầu hết chuyến tàu từ châu Á đến châu Âu vẫn đi vòng qua mũi Hảo Vọng (châu Phi) khiến hành trình kéo dài thêm 9-14 ngày để tránh xung đột ở Biển Đỏ. Tình trạng các đội tàu container đang nằm dồn ứ ngoài khơi bờ biển Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Trung Quốc đang xảy ra. Tại khu vực Mỹ, châu Âu, nhiều cảng biển như Tangier (Morocco), Algeciras (Tây Ban Nha) cũng bị quá tải vì bất ngờ trở thành điểm trung chuyển hàng hóa.
Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam Phạm Quốc Long cho biết, trước đây, các hãng tàu báo giá cước cho 15 ngày đến 1 tháng thì nay chỉ báo giá theo tuần, thậm chí thay đổi trong ngày, với mức tăng 10%-15%. Nhiều chủ hàng đang rất lo ngại về việc cước vận tải biển tăng vọt khi mùa vận chuyển cao điểm sắp bắt đầu.
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam LÊ ĐỖ MƯỜI:
Do cảng Singapore bị tắc nghẽn, các hãng tàu sẽ chuyển hướng sang thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam với lợi thế về cảng nước sâu. Các bến cảng đủ khả năng đáp ứng nhu cầu, kể cả trường hợp hàng hóa dự báo tăng. Cục cũng vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát các DN kinh doanh vận tải biển cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển thực hiện niêm yết giá và phụ thu ngoài giá.
Đảm bảo nhu cầu xuất nhập khẩu
Theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam, sản lượng hàng hóa container xuất nhập khẩu thông qua cảng biển Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2024 đạt 7,56 triệu TEU, tăng 16% so với cùng kỳ. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 5 năm gần đây (cao gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng trung bình trong 5 năm là 5,5%). Trước tình hình giá cước vận tải biển tăng, Cục Hàng hải Việt Nam đã làm việc trực tiếp với các DN cảng biển container, hãng tàu, đại lý.
Ông Lê Đỗ Mười, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, thông báo: “Chúng tôi đã tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra, giám sát giá dịch vụ tại cảng biển, giá vận tải hàng hóa container bằng đường biển, phụ thu ngoài giá; đánh giá tình hình vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, thị trường container rỗng tại Việt Nam. Từ đó, đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo điều kiện thuận lợi đáp ứng 100% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam được vận tải thông suốt”.
Cục Hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, chi cục hàng hải phối hợp chặt chẽ với hiệp hội, DN cảng biển, DN vận tải biển, DN xuất nhập khẩu, các cơ quan chức năng có liên quan trong việc giám sát chặt chẽ tình hình tắc nghẽn tại các bến cảng, tình hình cung cấp vỏ container phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu, báo cáo định kỳ với cục để có giải pháp kịp thời.
Với các DN xuất nhập khẩu hàng hóa, Cục trưởng Lê Đỗ Mười đề nghị các hiệp hội ngành hàng nâng cao vai trò, tập hợp DN thành viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch vận tải, làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước, nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay. Đại diện Bộ Công thương cũng khuyến nghị DN tính đến phương án chuyển hướng xuất khẩu sang những thị trường thuận lợi hơn, gần hơn như Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN... để giảm bớt tác động của việc tăng giá cước.
Không lo thiếu vỏ container rỗng
Theo báo cáo của các hãng tàu, hiện thị trường Trung Quốc đang cần một lượng lớn vỏ container để phục vụ xuất khẩu hàng sang Mỹ trước ngày 1-8-2024 để tránh tăng thuế quan một số mặt hàng. Việc này có thể ảnh hưởng đến tình hình cân bằng vỏ container rỗng, là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá cước tăng.
Tuy nhiên, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, khảo sát thực tế tại một cảng cho thấy, sản lượng xuất nhập vỏ container thời điểm hiện tại bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Dự báo thời gian tới, với diễn biến phức tạp của thị trường và tình hình địa chính trị thế giới, nguy cơ thiếu container rỗng có khả năng xảy ra, nhất là khi nhu cầu hàng xuất khẩu tăng cao. Để đảm bảo lượng container rỗng cho khách hàng, các hãng tàu lớn như Maersk Line, Evergreen, Posco… đang áp dụng nhiều biện pháp như mang container rỗng từ nước ngoài về Việt Nam, khuyến khích nhà nhập khẩu lấy container nhanh hơn, xin dự báo nhu cầu khách hàng, mua vỏ container mới.