Giảm tác động của công nghệ số đến môi trường

Theo trang mạng The Conversation, nếu như các thiết bị trong lĩnh vực kỹ thuật số trước đây bị xem là thủ phạm chính phát thải khí carbon, thì hiện nay, những ứng dụng, trung tâm dữ liệu, với sự phát triển của làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh, cũng là thủ phạm quan trọng không kém.

Tiêu thụ điện toàn cầu tăng mạnh

The Conversation dẫn ví dụ tại Pháp, các trung tâm dữ liệu, mạng lưới và thiết bị đầu cuối của quốc gia châu Âu này chiếm 11% lượng điện tiêu thụ toàn quốc. Đây là ước tính dựa theo các số liệu từ năm 2022, trước khi AI ra đời. Còn theo Cơ quan chuyển đổi sinh thái của Pháp (ADEME), các thiết bị kỹ thuật số (chủ yếu là tivi, máy tính và điện thoại thông minh) chiếm đến một nửa lượng phát khí thải carbon của toàn bộ lĩnh vực này, chủ yếu liên quan đến khâu sản xuất và khai thác kim loại.

Dẫu lượng thiết bị tiếp tục tăng, nhưng tỷ trọng lượng phát khí thải carbon liên quan đến các thiết bị trong toàn bộ lĩnh vực kỹ thuật số đã giảm đáng kể so với tỷ lệ ước tính 85% hồi năm 2018. Điều này phần nào liên quan đến sự thay đổi về phương pháp nghiên cứu, nhưng chắc chắn cũng liên quan đến việc một số “đòn bẩy” đã được thúc đẩy: thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường, kéo dài tuổi thọ của sản phẩm (thông qua sửa chữa hỏng hóc, tân trang hoặc bảo trì thiết bị tốt hơn). Trái lại, các nghiên cứu của ADEME đã ghi nhận một xu hướng mới là sự gia tăng bùng nổ các trung tâm dữ liệu - nguồn phát thải carbon lớn thứ 2 trong lĩnh vực công nghệ số. Nếu như theo nghiên cứu trước đây, các trung tâm dữ liệu của Pháp chỉ chiếm 15% lượng phát thải carbon thì con số này hiện nay lên tới 46%.

Không chỉ “ngốn” nhiều năng lượng, các trung tâm dữ liệu này còn tiêu thụ rất nhiều nước. Vấn đề là ở chỗ, thế giới càng sử dụng nhiều công nghệ số thì càng cần có các trung tâm dữ liệu như vậy. Việc triển khai rộng rãi AI tạo sinh cho nhiều mục đích khác nhau dự kiến còn khiến mức tiêu thụ năng lượng của các trung tâm dữ liệu tăng đột biến, dù hiện vẫn chưa thể đánh giá mức tăng cụ thể. Tác động môi trường của AI cho đến nay chủ yếu liên quan đến việc huấn luyện AI, nhưng việc sử dụng AI, với các nhiệm vụ đòi hỏi tiêu tốn nhiều năng lượng hơn so với trước đây, ngày càng tăng.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, mức tiêu thụ điện toàn cầu liên quan đến các trung tâm dữ liệu, nhất là các trung tâm dữ liệu dành riêng cho AI, sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2022-2026. Quả thực, những “gã khổng lồ” về công nghệ đã tuyên bố là từ nay đến năm 2026, muốn tăng gấp đôi số lượng và sức mạnh tính toán của các trung tâm dữ liệu trên thế giới. Nghĩa là sẽ chỉ mất 2 năm để đạt mức tăng trưởng như của 20 năm trở lại đây..., đồng thời phá vỡ các cam kết của họ về khí hậu.

X8B.jpg
Ở một trung tâm dữ liệu của Công ty Amazon (Mỹ). Ảnh: AMAZON

Sử dụng năng lượng điều độ

Việc xây dựng các trung tâm dữ liệu diễn ra nhanh chóng cũng có nghĩa là năng lượng tiêu thụ cũng tăng theo rất cao. Về ngắn hạn, không chắc là có thể có đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu nói trên mà không làm bùng nổ nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch. Trong bối cảnh như vậy, việc giảm tác động của công nghệ số đến môi trường phải bao gồm các biện pháp như: kéo dài tuổi thọ của thiết bị; các dịch vụ số (nền tảng phát trực tuyến, trò chơi điện tử, ứng dụng trên điện thoại di động…), phải được thiết kế thân thiện với môi trường và hiệu suất năng lượng của các trung tâm dữ liệu cần được cải thiện.

Tuy nhiên, nếu chỉ như vậy thì cũng sẽ không đủ để bù đắp cho xu hướng tăng trưởng đáng lo ngại của ngành kỹ thuật số, bao gồm cả nhu cầu đổi mới thiết bị có thể sẽ được đẩy nhanh, do nhu cầu cải tiến các chức năng liên quan đến AI và sự gia tăng của các thiết bị kết nối. Do đó, các chuyên gia cho rằng cần tính đến việc sử dụng điều độ. Ngay từ bây giờ, điều cần thiết là phải suy ngẫm về cách con người sử dụng công nghệ số để xác định công nghệ nào cần giảm bớt, cần ngăn đà phát triển. Các bên liên quan phải cân nhắc và điều chỉnh việc xây dựng các trung tâm dữ liệu, có tính đến tác động đối với địa phương (về năng lượng, nước và sử dụng đất đai).

The Conversation kết luận, sự bùng nổ của AI và cả những quảng bá AI là cuộc công cụ mang tính cách mạng, có lợi cho môi trường, thực sự còn nhiều góc khuất. Do đó, các quốc gia nên thận trọng trong việc dự báo, sáng chế, đo lường tác động của công nghệ số để hiểu rõ hơn và hỗ trợ các giải pháp sử dụng năng lượng điều độ, có chừng mực và bảo đảm quyền tự chủ.

Tin cùng chuyên mục