Gia tăng thời tiết cực đoan
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Quỹ Môi trường toàn cầu cho thấy, nước biển dâng gây ra bởi BĐKH là nguyên nhân của ngập lụt và xâm nhập mặn vào đất liền. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH do có bờ biển dài. Theo kịch bản BĐKH của Việt Nam, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước. Khi đó, khoảng 10% - 12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp. Đặc biệt, TPHCM sẽ bị ngập trên 20% diện tích.
Nghiên cứu cũng dự báo sẽ có khoảng 600.000ha đất dọc khu vực sông Mê Công bị ảnh hưởng, tương đương với 13% diện tích trồng lúa của cả nước bị ảnh hưởng, nếu nước biển dâng 30cm sẽ gia tăng xâm nhập mặn tại các cửa sông đi vào tới 10km trong đất liền.
Đại diện Ngân hàng Thế giới khẳng định, những tổn hại nặng nề trên xuất phát từ thực tế, hiện nay chúng ta đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề môi trường bức xúc trên phạm vi toàn cầu, bao gồm sự BĐKH, nhiệt độ tăng cao, nước biển dâng nhanh, băng tan nhiều, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...
Những vấn đề này có mối tương tác lẫn nhau và đều ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống con người cũng như sự phát triển của xã hội. Theo Ủy ban Liên quốc gia về BĐKH (IPCC) - cơ quan cung cấp các đánh giá khoa học về BĐKH và các tác động về kinh tế, chính trị - sự thay đổi trong hệ khí hậu Trái đất là điều rất rõ ràng; bầu khí quyển và đại dương đang ấm lên, lượng tuyết và băng sụt giảm, trong khi mực nước biển trung bình tăng lên.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng trong suốt giai đoạn từ năm 1880-2012. Cả nhiệt độ bề mặt Trái đất và mực nước biển dâng đều vượt mức dự đoán. Nhiệt độ đã tăng từ 0,3 - 4,8°C và mực nước biển từ 0,26 - 0,82m. Ngoài ra, số ngày nắng nóng cũng tăng cao, xu hướng tăng mạnh của mưa rất lớn, hạn hán kéo dài và mạnh hơn, tăng nguy cơ xâm nhập mặn (đặc biệt dọc khu vực sông Mê Công), cường độ bão thường mạnh hơn, tăng số lượng các đợt lũ lụt và mực nước ở ven biển ngày một dâng cao.
Chỉ tính riêng Việt Nam trong giai đoạn từ năm 1994 - 2010, tổng phát thải khí nhà kính, bao gồm sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp đã tăng từ 103,8 triệu tấn lên 246,8 triệu tấn CO2; phát thải từ lĩnh vực năng lượng, chủ yếu do đốt nhiên liệu tại các nhà máy nhiệt điện và tiêu thụ nhiên liệu từ các phương tiện giao thông là nguồn phát thải lớn nhất tại Việt Nam.
Cam kết cắt giảm khí thải nhà kính
Đại diện Ngân hàng Thế giới khẳng định, xu hướng phát thải khí nhà kính toàn cầu được dự đoán sẽ tiếp tục tăng và đạt tới 471 triệu tấn CO2 vào năm 2020 và 787 triệu tấn vào năm 2030. Hệ quả kéo theo là tình hình thiên tai như bão, lũ lụt hàng năm gây thiệt hại khoảng 1,5% GDP, tương đương 1,5 tỷ USD. Nghiên cứu của IPCC cũng chỉ ra rằng, nguyên nhân gây BĐKH đều do các hoạt động của con người, dẫn đến tăng lượng phát thải khí nhà kính. Phát thải khí nhà kính do con người gây ra đã tăng lên kể từ thời tiền công nghiệp (chủ yếu do phát triển kinh tế) và tăng trưởng dân số.
Có rất nhiều loại khí thải nhà kính được tạo ra từ hoạt động của con người, chẳng hạn như khí cabonic (CO2) phát thải do đốt nguyên liệu hóa thạch khí, gas, xăng dầu, than đá...; nạn phá rừng và thay đổi mục đích sử dụng đất. Khí metan (CH4) được sinh ra từ các bãi chôn lấp rác, khí gas tự nhiên, xăng dầu và khai thác than hay khí hydro fluocarbon (HFCs) có trong nhiều sản phẩm gia dụng như đồ đựng thức ăn bằng nhựa, áo mưa tồn tại trong đất, nước và cây trồng.
Trước những thách thức của BĐKH, thực tế đòi hỏi chúng ta phải có các chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác động của BĐKH và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững dài hạn, thông qua tái cơ cấu lại các ngành kinh tế. Đồng thời, hạn chế những ngành phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo, có giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế thấp.
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, đại diện nhóm nghiên cứu dự án SPI-NAMA (dự án hỗ trợ lên kế hoạch và thực hiện các hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính do tổ chức JICA của Nhật Bản hợp tác với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam), cho biết, từ năm 2008, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH để kịp thời ứng phó với những tác động của BĐKH, đồng thời triển khai các biện pháp thích ứng và giảm nhẹ BĐKH.
Đặc biệt, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, bao gồm các mục tiêu và hành động giảm nhẹ và các quy định liên quan đến thị trường cacbon quốc tế. Chiến lược nêu rõ: Tăng trưởng xanh, nền kinh tế cacbon thấp và gìn giữ tài nguyên thiên nhiên đang trở thành vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế bền vững, giảm khí thải nhà kính.
Một trong những mục tiêu chính trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, đó là giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8% - 10% trong giai đoạn từ năm 2011-2020; giảm 10% - 20% tổng phát thải trong các hoạt động năng lượng; giảm cường độ phát thải khí nhà kính ít nhất 1,5% - 2% mỗi năm. Trong khuôn khổ chiến dịch này, các tỉnh thành đều phải xây dựng kế hoạch tăng trưởng xanh riêng của mình, hướng tới việc mỗi tỉnh đều có cam kết giảm khí thải nhà kính.
Đến tháng 3-2017, đã có 17 tỉnh thành phê duyệt kế hoạch hành động tăng trưởng xanh (PGGAP) và 14 tỉnh thành phê duyệt kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH (PCCAP). Đa số kế hoạch của các địa phương đều xác định mục tiêu cụ thể giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2020. Cũng đã có 5 bộ phê duyệt kế hoạch tăng trưởng xanh, bao gồm Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.