Lý giải cho nguyên nhân trên, Trưởng chi nhánh Đức của Công ty EY Hubert Barth cho biết dù Đức có thể ghi điểm trước các nhà đầu tư với cơ sở hạ tầng đồng bộ, môi trường chính trị và pháp lý ổn định cũng như trình độ cao của lực lượng lao động, nhưng các chỉ số kinh tế gần đây cho thấy Đức dường như không còn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế châu Âu. Theo số liệu của Destatis, sản lượng công nghiệp Đức trong tháng 4 giảm 1,9% so với tháng trước đó, ghi nhận tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 1-2019. Thặng dư thương mại của Đức cũng giảm trong tháng 4 vừa qua, chỉ đạt 17 tỷ EUR (19 tỷ USD), giảm 3 tỷ EUR so với tháng trước đó, chủ yếu do nhu cầu của thị trường EU giảm mạnh. Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank) mới đây hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Đức năm 2019 và 2020 xuống lần lượt 0,6% và 1,2%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng trưởng 1,6% cho cả năm 2019 và 2020 được đưa ra trong dự báo trước đó.
Ngoài yếu tố thiếu đà tăng trưởng kinh tế, Đức còn thiếu tính linh hoạt trong luật lao động, các vấn đề thuế quan, sự ưu đãi đối với nhà đầu tư cũng như chi phí lao động là những điểm trừ dễ thấy tại Đức. Điều đó dẫn đến hơn 1/3 số các công ty nước ngoài hoạt động tại Đức được khảo sát có những đánh giá tiêu cực về nước này. Hiện tại, Đức đã trượt một bậc xuống vị trí thứ 3 về số lượng dự án đầu tư, sau Anh và Pháp. Theo khảo sát, các công ty Mỹ là những nhà đầu tư quan trọng nhất đối với Đức với tổng số 220 dự án trong năm 2018, tiếp đến là các công ty từ Thụy Sĩ, Trung Quốc và Anh. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tại Đức đã tăng lần đầu tiên kể từ năm 2013. Người đứng đầu Cơ quan lao động Đức Detlef Scheele nhận định, tình hình việc làm cho thấy đã có những tác động đầu tiên tới nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Theo ông, Scheele nhu cầu lao động mới của các công ty có dấu hiệu giảm rõ rệt là nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Điều này cho thấy các nhà sản xuất cũng như các nhà xuất khẩu tại nền kinh tế lớn của châu Âu đang bị tác động xấu từ các yếu tố bên ngoài như căng thẳng thương mại toàn cầu và đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới, cũng như tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) chưa đạt tiến triển.
Tuy nhiên, trước nhiều số liệu kinh tế không khả quan, Chính phủ Đức vẫn kỳ vọng sẽ sớm khắc phục tình trạng này để đem lại triển vọng phát triển kinh tế trong những năm tới mà không cần các gói kích thích tăng trưởng. Theo giới quan sát, để phục hồi đà tăng trưởng, Đức cần tiến hành cải cách về thuế và thúc đẩy phát triển công nghệ trong tương lai, đồng thời hạn chế các chính sách gây gánh nặng cho nền kinh tế.