Nhiều chuyển biến tích cực
Tại những đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM, mỗi ngày có khoảng hàng chục tấn nhựa và túi ni lông thải ra môi trường. Nếu tính chỉ số sản phẩm nhựa trên đầu người trên cả nước hiện hơn 41kg/người/năm, trong khi chỉ số này năm 1990 là
3,8kg/người/năm. Với đặc điểm có giá thành sản xuất rẻ và tiện lợi, túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần đã trở thành vật dụng phổ biến trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là tại các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, chợ truyền thống. Các chuyên gia môi trường đều khẳng định rằng, nếu chúng ta không có những giải pháp cấp bách hạn chế việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần và túi ni lông khó phân hủy thì khả năng môi trường bị suy thoái càng trở nên nghiêm trọng hơn, kéo theo đó là những thiệt hại nặng về kinh tế.
Theo Sở TN-MT TPHCM, trong thời gian qua, thành phố đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu chất thải nhựa cũng như đã ban hành nhiều văn bản về giảm thiểu chất thải nhựa điển hình như Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19-10-2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”; Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20-8-2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, thành phố có những kết quả, chuyển biến nhất định về giảm thiểu, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần cũng như túi ni lông khó phân hủy như: 100% siêu thị tổng hợp đã chuyển sang dùng các sản phẩm thân thiện môi trường (ước khoảng 15.231 tấn); các thương nhân cũng dần hình thành thói quen và đang từng bước chuyển đổi sang sử dụng túi thân thiện môi trường để đựng hàng hóa cho khách hàng tại các trung tâm thương mại (ước khoảng 2.400 tấn); sản lượng tiêu thụ túi ni lông thân thiện môi trường được tiểu thương sử dụng tại các chợ (ước khoảng 113 tấn) đã tăng lên đáng kể so với năm 2015.
Nhiều cửa hàng tiện lợi, cửa hàng ăn uống trên địa bàn thành phố đã thay thế một số đồ dùng làm từ nhựa sử dụng một lần bằng các sản phẩm thân thiện môi trường như ống hút tre, ống hút cỏ, bao bì bằng giấy, túi vải, thủy tinh. Nhiều người cũng đã có thói quen mang giỏ, túi dùng nhiều lần để chứa hàng hóa khi đi mua sắm.
Đồng bộ các giải pháp
Theo đánh giá của Sở TN-MT, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song công tác kêu gọi hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, trong đó có túi ni lông khó phân hủy vẫn đang gặp một số khó khăn nhất định. Tỷ lệ người dân và tiểu thương tự giác tham gia việc giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần chưa cao, còn tập trung thực hiện theo phong trào. Bên cạnh đó, sản phẩm thân thiện môi trường có giá thành cao hơn sản phẩm nhựa dùng một lần nên các tiểu thương vẫn ưa chuộng sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Giải pháp quan trọng nhất hiện nay đó là cần tập trung tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức người dân về việc hạn chế sản phẩm nhựa dùng một lần và hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống hạn chế hoặc không phát miễn phí túi ni lông khó phân hủy cho người tiêu dùng. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia sản xuất túi ni lông thân thiện với môi trường.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra đề ra, thành phố đã đồng bộ triển khai các giải pháp như xây dựng, phát hành rất nhiều tài liệu, nội dung truyền thông về giảm rác thải nhựa thông qua các hình thức phim ngắn, bài phát thanh, poster hướng dẫn, các khẩu hiệu tuyên truyền để tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên địa bàn thành phố thông qua các báo đài, chuyên mục, chuyên trang, mạng xã hội, banner, băng rôn cũng như lồng ghép vào hoạt động của các sự kiện truyền thông môi trường, phong trào bảo vệ môi trường cấp thành phố định kỳ hàng năm. Cụ thể đó là: Tháng hành động vì môi trường; Ngày hội sống xanh; phong trào “Chống rác thải nhựa”; chuyển hóa điểm ô nhiễm thành công trình xanh - sạch - đẹp; tổ chức triển lãm “Chất thải nhựa - Tác hại và hành động của chúng ta”...
Các tài liệu, nội dung truyền thông này cũng hỗ trợ cho các địa phương và các cơ quan, đơn vị thực hiện tuyên truyền, vận động sâu rộng về giảm thiểu rác thải nhựa đến các đối tượng là người dân, cơ quan hành chính, doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách, trường học, cơ sở y tế, khu vực công cộng. Ngoài ra, thành phố đang tiếp tục các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ để hỗ trợ tăng sản lượng, mẫu mã sản phẩm, giảm chi phí trong sản xuất túi, bao bì thân thiện môi trường và tái chế chất thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường.