54% người lao động nhận mức lương chưa thỏa đáng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam có 54,41 triệu người thuộc lực lượng lao động (chiếm 77% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên). Trong đó có 22,05 triệu lao động làm công ăn lương (chiếm 40,53% lực lượng lao động) và 9,44 triệu lao động có hợp đồng lao động (chiếm 17,35% lực lượng lao động, là đối tượng điều chỉnh bởi mức lương tối thiểu vùng).
Thế nhưng theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay mức thu nhập của người lao động (thuộc khu vực doanh nghiệp) vẫn ở mức khá thấp. Số liệu khảo sát năm 2017 cho thấy, thu nhập của người lao động (không kể ăn ca) trung bình chỉ gần 5.500.000 đồng/tháng.
Khoản thu nhập đó gồm có tiền lương cơ bản và các khoản thu nhập thêm. Tiền lương cơ bản chính là mức tiền để làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (nếu làm đủ giờ công, ngày công) thì mức trung bình trong năm 2017 mà người lao động nhận được là 4.480.000 đồng/tháng. Còn khoản thu nhập thêm có thể kể như tiền làm thêm giờ, các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp như tiền chuyên cần, tiền nhà ở, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp độc hại, tiền hỗ trợ đời sống, tiền hỗ trợ nuôi con nhỏ...
Vẫn theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có 51,3% người lao động chỉ có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống. Khoảng 20,6% cho biết phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ; 12% có thu nhập không thể đủ sống và chỉ có 16,1% người lao động là có thể có tích lũy từ thu nhập.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Lý, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trung bình các khoản thu nhập ngoài lương cơ bản như làm thêm giờ, trợ cấp, hỗ trợ (không kể ăn ca) cũng chỉ khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng/tháng (số tiền này chiếm từ 20% - 30% thu nhập của người lao động). Và nếu tháng nào không làm thêm giờ hoặc làm thiếu ngày công thì sẽ bị phạt, vì vậy thu nhập của người lao động sẽ giảm sút.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, để các doanh nghiệp không trả mức lương cho người lao động ở mức quá thấp, Nhà nước đã có quy định về mức lương tối thiểu vùng. Đây có thể coi như “mức lương sàn” mà tối thiểu các doanh nghiệp phải đáp ứng cho người lao động làm công việc đơn giản trong điều kiện đơn giản nhất. Hiện tại, đang có 4 mức lương tối thiểu vùng. Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.
Kể từ năm 2013 đến nay, mức lương tối thiểu vùng cho người lao động trong khối doanh nghiệp liên tục được thay đổi với 5 lần điều chỉnh (nhưng mỗi lần tăng cũng chỉ thêm được vài trăm ngàn đồng, như năm 2017 là tăng 180.000 - 250.000 đồng). Và theo đánh giá, tiền lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Mà mỗi khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng thì các doanh nghiệp điều chỉnh tiền lương của người lao động rất khác nhau, tùy theo từng ngành nghề, từng hệ thống lương của doanh nghiệp. Có 54% người lao động cho rằng tiền lương, tiền công của họ không tương xứng với sức lao động của họ đã bỏ ra.
Còn ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho rằng, thực chất mỗi lần điều chỉnh tăng lương làm tăng chi phí của doanh nghiệp từ vài tỷ đồng tới vài trăm tỷ đồng mỗi năm. Nhưng tiền đó “chảy” vào Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) và quỹ công đoàn chứ không phải cho người lao động. Thậm chí, người lao động cũng bị cắt bớt một phần lương cho những quỹ đó, thành ra không phải cứ tăng lương là thu nhập tăng.
Phải có tiêu chí thế nào là mức sống tối thiểu
Trước thực tế này, cải cách chính sách tiền lương nói chung, trong đó có chính sách tiền lương cho người lao động trong khối doanh nghiệp là rất cần thiết. Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Doãn Mậu Diệp, mục tiêu của cải cách chính sách tiền lương lần này là phải làm cho tiền lương là thu nhập chính, bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ.
Cụ thể, đối với khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng được đề xuất điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp và mức sống của người lao động. Bên cạnh mức lương tối thiểu tháng, đề án quy định mức lương tối thiểu giờ, nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2020, mức lương tối thiểu bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Nhà nước giảm dần sự can thiệp, tiến tới các doanh nghiệp tự quyết định chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận với người lao động.
Song song với việc xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương, hiện Bộ LĐTB-XH cũng đang đề nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012. Để đảm bảo mức lương tương xứng cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, ngoài việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, Chính phủ cần chỉ đạo việc xây dựng và giám sát thực hiện thang, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP, để người lao động được nâng lương định kỳ, theo năng suất, hiệu quả công việc làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về tiền lương. Sớm ban hành Luật Tiền lương tối thiểu. Trước mắt cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về tiền lương tối thiểu trong Bộ luật Lao động. Để làm rõ khái niệm “mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ” thì phải đưa ra quy định về các tiêu chí xác định mức sống tối thiểu là như thế nào, cơ quan nào có thẩm quyền xác định mức sống tối thiểu và thời điểm công bố mức sống tối thiểu, bởi mức sống tối thiểu là căn cứ quan trọng để Hội đồng Tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu.