Sở Du lịch hiện đã tổ chức một số cuộc gặp gỡ với doanh nghiệp, hiệp hội… nhằm lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp cũng như những giải pháp giúp đảm bảo, duy trì mức độ phát triển lĩnh vực du lịch cả trong và ngay khi chấm dứt dịch bệnh.
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam nhìn nhận du lịch Việt Nam đang ở thế tăng trưởng cao trong năm 2019 vừa qua, thì năm 2020 lập tức rơi vào khủng hoảng do dịch Covid-19. Một số địa phương nổi tiếng về du lịch giảm du khách trầm trọng, các doanh nghiệp du lịch vừa gồng mình phòng chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh.
Đối với TPHCM, địa phương đã có những kịch bản kịp thời để chuẩn bị khôi phục du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt. Chẳng hạn, các doanh nghiệp lữ hành kết hợp với các hãng hàng không kích cầu giảm giá, các sở ngành kịp thời tổ chức các cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp…
Đẩy nhanh các chương trình kích cầu du lịch
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch TPHCM cho rằng cần phải triển khai sớm chương trình kích cầu du lịch vì mỗi một ngày trôi qua gây thêm thiệt hại tổn thất cho doanh nghiệp, cho ngành du lịch. Ngày mai (21-2), Hiệp hội Du lịch sẽ triển khai chương trình kích cầu du lịch TP.
“Hiện chúng tôi cũng đã có giá của một số hãng hàng không, các công ty cũng đã có các chương trình kích cầu cụ thể. Có công ty giảm giá từ 30-40% so với giá bình thường. Các dịch vụ từ nhiều địa phương liên tục chuyển về cho hiệp hội. Có đơn vị đã xây dựng được tới vài chục chương trình tour…”, bà Khánh nói.
Chia sẻ về giải pháp khắc phục thiệt hại của doanh nghiệp, ông Nguyễn Minh Mẫn, Trưởng phòng Truyền thông – Marketing Công ty TST Tourist cho biết, năm 2020 có nhiều khó khăn cho ngành lữ hành thế giới cũng như Việt Nam. Để giữ được tốc độ phát triển, các đơn vị lữ hành đã phải xây dựng những hướng tiếp cận, khai thác thị trường khách mới.
Đây cũng là cơ hội nhằm thúc đẩy tính chủ động trong phát triển thị trường tour, thu hút du khách đến Việt Nam của các công ty lữ hành Việt. Đối với TST Tourist, đơn vị cũng tập trung khai thác khách từ thị trường tiềm năng như: Ấn Độ, Úc, Malaysia….
"Cụ thể là 5 nhóm vấn đề. Thứ nhất, liên quan đến thuế, như giảm thuế, giãn thuế, nộp chậm... Thứ hai, nhóm tín dụng, các gói, hợp đồng vay, lãi suất… Thứ ba, các chính sách góp phần làm thông thoáng thị trường (visa, tạo điều kiện kết nối Việt Nam với thế giới…). Thứ tư, tăng cường xúc tiến quảng bá, hỗ trợ kinh phí xúc tiến ở cả trung ương lẫn địa phương... Thứ năm, chính là việc tăng cường nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Đối với Bộ VH-TT-DL sẽ triển khai ba chương trình tập trung, gồm: truyền thông, kích cầu du lịch, xúc tiến du lịch quảng bá tăng cường”, ông Hà Văn Siêu cho biết thêm.
Doanh thu sụt giảm khoảng 80%Theo Sở Du lịch TPHCM, hiện nay trên địa bàn TP có 1.099 doanh nghiệp đủ điều kiện hoạt động theo Luật Du lịch năm 2017. Tại TPHCM, ngay khi xảy ra tình hình dịch Covid-19, tình trạng khách hủy các chương trình đã đặt, hủy chỗ, hủy dịch vụ, hủy các chương trình tham quan du lịch… là phổ biến. Qua đánh giá sơ bộ của một số doanh nghiệp dịch vụ lữ hành lớn tại TPHCM, tính trong tháng 2 và đến quý 1-2020, doanh thu giảm từ 40 – 60%. Riêng đối với các doanh nghiệp kinh doanh thị trường Trung Quốc, doanh thu giảm mạnh từ 70 – 80%. Một số doanh nghiệp chuyên thị trường Trung Quốc thậm chí đã phải tạm ngưng hoạt động phòng du lịch cho đến tháng 6. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khác do lượng khách giảm nhanh nên doanh thu giảm mạnh và theo đó doanh nghiệp không đủ chi phí để vận hành bộ máy hoạt động kinh doanh (hàng loạt công ty buộc phải thực hiện các chính sách cắt giảm nhân sự, điều chỉnh mức lương đối với nhân viên). Doanh nghiệp đóng góp ý kiến tại hội nghị ngày 20-2 Các doanh nghiệp kinh doanh thị trường outbound cho biết lượng khách đăng ký giảm mạnh, điển hình như: Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ. Riêng các doanh nghiệp kinh doanh thị trường inbound (trừ Trung Quốc), lượng khách giảm tương đối khoảng 10%. Ngoài ra, dịch bệnh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của lực lượng hướng dẫn viên du lịch. Hiện có rất nhiều hướng dẫn viên du lịch tại TPHCM đang thiếu công việc, đặc biệt là hướng dẫn viên tiếng Trung Quốc. Đối với các cơ sở lưu trú du lịch, công suất bán phòng của nhiều khách sạn 3 - 5 sao giảm 40 - 50% so với cùng kỳ năm 2019; tổng doanh thu của cơ sở lưu trú du lịch giảm 60 - 70% so với cùng kỳ năm. Một số cơ sở lưu trú du lịch cũng tính đến phương án giảm thiểu nhân sự, làm việc theo ca để giảm chi phí tiền lương. |
Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group): Cần sự đồng bộ, xuyên suốt về quan điểm đón khách Ngành du lịch và Bộ VH-TT-DL sớm có những chương trình làm việc, đề ra giải pháp liên ngành. Hiện nay, theo chủ trương chung của Chính phủ, các doanh nghiệp, các địa phương quyết tâm, quyết liệt phòng chống dịch Covid-19 và đó là ưu tiên hàng đầu, đảm bảo sức khỏe cho người dân, cộng đồng, du khách. Từng ngành riêng biệt đã có các giải pháp cụ thể cho việc phòng chống dịch và có những tác động nhất định đối với ngành du lịch, nhưng chúng tôi cũng nhận thấy có những chủ trương đưa ra đột ngột, phải thay đổi liên tục. Ví dụ, chủ trương của Cục Hàng không Việt Nam về việc dừng bay đột ngột đối với các đường bay đến Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao (Trung Quốc), làm cho các hãng lữ hành, ngành du lịch đối phó rất bị động. Đối với ngành hàng không là bất khả kháng, nhưng đối với doanh nghiệp lữ hành phải tiếp tục giải quyết hậu quả. Rồi sau đó, khi có ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp, đường bay được khôi phục trở lại. Như vậy có sự lúng túng, bất cập trong chủ trương chính sách. Kế đến, trường hợp ngành văn hóa có chủ trương đột ngột ngưng tiếp nhận khách đến các điểm tham quan di tích, sau đó có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các điểm tham quan được mở lại. Tương tự, trường hợp đón khách du lịch tàu biển, việc đón – không đón – đón cứ lặp lại, chưa kể cùng chuyến tàu nhưng có cảng đón khách, có cảng từ chối. Có cảng cho tàu cập bến, nhưng khách không được lên bờ. Trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh chiến dịch truyền thông về điểm đến du lịch an toàn thì giữa thông tin đẩy mạnh truyền thông với thực tế hành động có sự không đồng nhất. Nên chăng cần sự đồng bộ, xuyên suốt về quan điểm đón khách. |