Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam vừa công bố báo cáo về kết quả thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội năm 2022 của MTTQ Việt Nam.
Đáng chú ý, theo báo cáo này, năm 2021, kết quả giám sát việc thực hiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ, giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ của MTTQ cho thấy, cấp ủy các cấp đã kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác cán bộ để lãnh đạo, quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm túc tại địa phương, cơ sở.
Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về thời hạn ban hành quyết định bổ nhiệm lại còn xảy ra phổ biến ở cấp tỉnh của nhiều địa phương với tỷ lệ tương đối cao (437/1.502 trường hợp chiếm tỷ lệ 29), trong đó có 21 tỉnh thành tỷ lệ vi phạm này chiếm trên 50%; có địa phương 100% các trường hợp bổ nhiệm lại đều ban hành quyết định quá thời hạn.
Có nhiều trường hợp ban hành quyết định bổ nhiệm lại quá hạn nhiều tháng, thậm chí có một số trường hợp nhiều năm đã gây ra hệ quả pháp lý các văn bản hành chính, hành vi hành chính của người được bổ nhiệm lại trong thời gian từ khi hết hiệu lực quyết định bổ nhiệm đến khi ban hành quyết định bổ nhiệm lại sẽ không có giá trị pháp lý.
Về giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với chủ tịch UBND các cấp, báo cáo cho rằng, về cơ bản chủ tịch UBND các cấp đều xây dựng kế hoạch, lịch và đã tổ chức tiếp công dân định kỳ theo quy định, tuy nhiên hầu hết không bảo đảm số ngày tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp Công dân. Số ngày tiếp công dân của chủ tịch UBND các cấp tính trung bình trên địa bàn toàn quốc không đạt 50% theo quy định của Luật Tiếp công dân. Nhiều địa phương, chủ tịch UBND các cấp ủy quyền cho phó chủ tịch hoặc các chánh thanh tra, trưởng ban tiếp công dân… tiếp thay. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nhiều vụ đã không ban hành thông báo thụ lý hoặc ban hành thông báo thụ lý chậm hơn 10 ngày theo quy định; còn nhiều vụ giải quyết quá thời hạn quy định, thậm chí quá hạn trên 6 tháng đến trên 1 năm.
Về giám sát Luật Đất đai năm 2013, báo cáo chỉ rõ qua gần 10 năm thực hiện các quy định của Luật Đất đai đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: một số quy định của Luật Đất đai năm 2013 chưa tương thích với Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật có liên quan, những vướng mắc, bất cập trong quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vướng mắc, bất cập trong quy định về giao đất, cho thuê đất, quy định về tài chính với đất đai; chưa phân cấp xác định rõ trách nhiệm, kiểm soát quyền lực trong giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện trong đất đai còn nhiều; vướng mắc, bất cập trong quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết tranh chấp về đất đai; bất cập, vướng mắc của pháp luật đất đai hiện hành về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; vướng mắc, bất cập trong quy định về quyền sử dụng đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số; vướng mắc, bất cập về tham vấn người dân trong lĩnh vực đất đai…
Năm 2022, MTTQ Việt Nam sẽ tập trung giám sát một số nội dung như: giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ đảng viên; giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; giám sát việc giải quyết một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giám sát việc thực hiện công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Trường hợp cần thiết, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương các tổ chức chính trị-xã hội có thể bổ sung mới nội dung thực hiện giám sát khi phát sinh vụ việc, vấn đề nổi cộm, được dư luận quan tâm, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đoàn viên, hội viên theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam và các văn bản có liên quan…