Đối thoại đầu tuần

Giám sát việc trả lương, thưởng tết cho người lao động

Tết Giáp Thìn 2024 đang đến rất gần, bên cạnh tâm lý ngóng trông mức lương, thưởng tết nhận được, nhiều người lao động cũng không giấu được âu lo sợ bị nợ lương, nợ thưởng. PV Báo SGGP đã trao đổi với ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM và ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM về việc đảm bảo quyền lợi người lao động trong dịp tết.

Phóng viên: Sở LĐTB-XH TPHCM và LĐLĐ TPHCM đã có kế hoạch gì để đảm bảo người lao động không bị nợ lương, nợ thưởng?

ong-le-van-thinh-6804.jpg
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc LĐTB-XH TPHCM

Ông Lê Văn Thinh: Những tháng cuối năm, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đã khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng số lượng lớn lao động để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Nhiều lao động được tuyển dụng ngay tại sàn giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, năm 2023 nhiều doanh nghiệp trong nước cũng gặp khó khăn lớn, ảnh hưởng đến việc chi trả lương, thưởng tết cho người lao động. Dù rất chia sẻ với doanh nghiệp nhưng Sở LĐTB-XH TPHCM cũng có kế hoạch giám sát chặt tình hình trả lương, thưởng dịp Tết Nguyên đán và ổn định lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp.

pho-chu-tich-ldld-tphcm-pham-chi-tam-1774.jpg
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM

Ông Phạm Chí Tâm: Cùng với việc phối hợp với Sở LĐTB-XH thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách về lương, thưởng tết, các cấp công đoàn cũng chủ động phối hợp với các ngành chức năng của thành phố và chính quyền địa phương, nơi có khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng của công nhân lao động. Đồng thời các cấp công đoàn thành phố đang tập trung triển khai kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Nguyên đán năm 2024 cho người lao động để góp phần ổn định quan hệ lao động. Trong đó tập trung giám sát việc chi trả lương, thưởng tết; hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng.

Nếu doanh nghiệp nợ hoặc chậm trả lương, thưởng tết sẽ dẫn đến nguy cơ người lao động ngừng việc tập thể, TPHCM có giải pháp nào để hóa giải tình trạng này?

Ông Lê Văn Thinh: Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 11-2023, trên địa bàn TPHCM xảy ra 6 vụ tranh chấp lao động tập thể (giảm 7 vụ so với cùng kỳ năm 2022). Nguyên nhân chủ yếu là về mức tiền lương, tiền thưởng tết năm 2023. Số vụ việc vi phạm giảm trong điều kiện kinh tế khó khăn cho thấy điều đáng mừng là ý thức chấp hành pháp luật lao động và trách nhiệm xã hội của hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM ngày càng nâng cao.

Để tập trung ổn định tình hình, chăm lo đời sống của người lao động, Sở LĐTB-XH phối hợp các bên liên quan theo dõi sát tình hình lao động, việc làm, quan hệ lao động tại các doanh nghiệp. Thanh tra Sở LĐTB-XH tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm chắc tình hình trả lương, trả thưởng, lao động, việc làm, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức đối thoại định kỳ, phương án sử dụng lao động đối với các doanh nghiệp. Qua đó kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật lao động.

Ông Phạm Chí Tâm: Chúng tôi đã đề nghị người sử dụng lao động thông tin sớm và đầy đủ để người lao động biết rõ về kế hoạch, thời điểm trả lương, nâng lương, trả thưởng và các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Đối với những đơn vị cố tình xâm phạm quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động, tổ chức công đoàn sẽ có giải pháp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

y1a-3245.jpg
Tổ chức Công đoàn TPHCM trao quà chăm lo đoàn viên, người lao động khó khăn

Cùng với thưởng tết, công tác đảm bảo việc làm, thu nhập về lâu dài cho người lao động được thực hiện như thế nào?

Ông Lê Văn Thinh: Trong thời gian tới, Sở LĐTB-XH sẽ tham mưu cho UBND TPHCM ban hành đề án về chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn thành phố từ nay đến năm 2030. Với đề án này, TPHCM tập trung nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp, phát triển lực lượng lao động có tay nghề, tăng năng suất lao động gắn với tăng thu nhập và tạo việc làm mới, tiếp tục thúc đẩy thị trường lao động thành phố phát triển ổn định, hài hòa phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội TPHCM.

Đồng thời triển khai các giải pháp kết nối việc làm, tư vấn thực hiện các chính sách lao động đối với người lao động và người sử dụng lao động. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu lao động qua các phiên, sàn giao dịch việc làm kết nối người lao động mất việc làm, lao động lần đầu tiên gia nhập thị trường lao động hoặc lao động tìm kiếm cơ hội việc làm mới với nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Ông Phạm Chí Tâm: Vừa qua, LĐLĐ TPHCM phối hợp với Sở LĐTB-XH, Thành đoàn và Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM tổ chức “Ngày hội kết nối việc làm cho đoàn viên công đoàn, thanh niên công nhân và người lao động” trên địa bàn TPHCM. Đây là một trong những giải pháp thiết thực và ý nghĩa, tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Ngoài ra, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024 và khuyến nghị Chính phủ sẽ tăng 6% từ tháng 1-7-2024. Như vậy, tổ chức công đoàn sẽ xây dựng kế hoạch giám sát việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động để đảm bảo việc thực hiện được chính xác.

Năm nay, dự kiến thành phố sẽ dành 916 tỷ đồng (tăng gần 35 tỷ đồng, so với năm 2023) chăm lo cho các đối tượng thuộc diện chính sách có công, các hộ nghèo, đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội.

Điểm mới của năm nay là TPHCM sẽ tăng diện đối tượng mới so với thực hiện năm 2023, như: Dành hơn 500 phần quà chăm lo trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thật sự khó khăn; dự kiến hơn 1.700 phần quà chăm lo người cao tuổi sống đơn thân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên sống đơn thân, neo đơn có nguồn thu nhập bằng hoặc thấp hơn mức hộ cận nghèo đang thực tế cư trú tại địa phương có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền.

Tin cùng chuyên mục