Nguồn tin từ Bộ TN - MT cho biết, giấy phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) nêu rõ, việc nhận chìm chỉ cho phép tiến hành từng bước với sự quan trắc, giám sát chặt chẽ chất lượng môi trường biển trong suốt quá trình thực hiện.
Giấy phép này cũng quy định việc khởi động chương trình quan trắc, giám sát độc lập tại 13 điểm do Viện Hải dương học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (đơn vị giám sát độc lập) thực hiện nhằm quan trắc, giám sát nguồn gây tác động, đối tượng có thể bị tác động do hoạt động nhận chìm.
Khi một trong các thông số chất lượng nước biển tại bất kỳ điểm quan trắc, giám sát nào vượt Quy chuẩn, Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1 phải dừng ngay hoạt động nhận chìm; và chỉ được phép thực hiện khi có giải pháp khắc phục được Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận.
Thời gian nhận chìm từ tháng 6 đến tháng 10-2017. Đây là thời gian gió mùa Tây Nam hoạt động, hướng phát tán vật, chất nhận chìm không hướng về Khu Bảo tồn biển Hòn Cau và các khu vực nuôi trồng hải sản ven bờ.
Độ sâu lớn nhất khu vực nhận chìm là -36,1 m, trong khi đó, độ sâu của Khu Bảo tồn biển Hòn Cau từ -5 m đến -10 m.
Khu Bảo tồn biển Hòn Cau (12.500 ha) là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với khoảng 234 loại san hô là bãi đẻ của nhiều loài sinh vật biển, thủy sinh vật quý hiếm.