Giám sát về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực

Sáng 20-8, tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của đoàn giám sát (của UBTVQH) về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Phiên họp sáng 20-8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phiên họp sáng 20-8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh - Phó Trưởng đoàn Thường trực đoàn giám sát cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - cơ quan được giao chủ trì tham mưu giúp đoàn giám sát về nội dung, đã xin ý kiến Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB-XH bằng văn bản về dự thảo kế hoạch giám sát và các đề cương giám sát, tiếp thu ý kiến của các thành viên đoàn giám sát… để hoàn thiện các dự thảo trình UBTVQH.

Dự thảo kế hoạch đã xác định rõ mục đích, yêu cầu của hoạt động giám sát. Theo đó, giám sát về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó đánh giá thực trạng nguồn nhân lực; kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao. Giám sát cũng nhằm đề xuất, kiến nghị giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.

Hoạt động giám sát tập trung vào 4 nội dung chính: đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và việc thể chế hóa chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; đánh giá kết quả đạt được, tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao; đề xuất kiến nghị, giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Đối tượng giám sát là Chính phủ; các bộ gồm: GD-ĐT; LĐTB-XH; Nội vụ; KH-ĐT và một số bộ, ngành liên quan; UBND 63 tỉnh, thành; một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành; các cơ quan, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực; cơ quan, tổ chức sử dụng lao động: một số cơ quan thuộc Chính phủ, tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội.

Đoàn giám sát dự kiến tổ chức các đoàn công tác để tiến hành giám sát trực tiếp tại 10 địa phương gồm: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Đắk Lắk, Khánh Hòa, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh.

Tin cùng chuyên mục