Theo Tổng cục Thủy sản, đến ngày 31-12-2018, các nhà nhập khẩu tôm phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của chương trình SIMP. Đây là bước tiếp theo khi trước đó, từ ngày 1-1-2018, phía Mỹ triển khai chương trình giám sát việc khai thác và nhập khẩu đối với 11/13 loài thủy hải sản nhập khẩu vào nước này, nhằm chống lại các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) và gian lận thương mại thủy sản.
Chương trình SIMP áp dụng với các lô hàng hải sản vào Mỹ từ nước ngoài, bao gồm cả việc nhập khẩu tại nước khác. Nhà nhập khẩu trong hồ sơ phải thường trú ở Mỹ và có giấy phép thương mại thủy sản quốc tế hiện hành. Ngoài ra, 2 loại thông tin truy xuất nguồn gốc bắt buộc phải có: Việc thu hoạch và cập bờ phải được báo cáo bằng điện tử tại thời điểm nhập khẩu thông qua Hệ thống dữ liệu thương mại quốc tế (ITDS); Hồ sơ chuỗi hành trình. Đây là tài liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ lúc thu hoạch đến điểm nhập cảng Mỹ, nhà nhập khẩu phải lưu giữ 2 năm.
Dù có hiệu lực vào cuối năm 2018 nhưng để chủ động cho việc xuất khẩu, doanh nghiệp cần phối hợp với nhà nhập khẩu để thu thập đầy đủ các dữ liệu yêu cầu cho việc tuân thủ SIMP, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ. Theo Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), thị trường thủy sản Mỹ tiêu thụ 96 tỷ USD/năm, trong đó 1/2 là từ nhập khẩu.