Việc giám sát nguồn nước uống lâu nay vẫn là nguyên nhân gây chia rẽ giữa các cơ quan chính phủ và cơ quan lập pháp, trong khi những biện pháp cải thiện an toàn nước uống từng được áp dụng cũng chưa hiệu quả trong bối cảnh chất lượng nước ngọt đang chịu nhiều tác động.
Bộ trưởng Y tế New Zealand David Clark khẳng định, vấn đề an toàn cộng đồng là ưu tiên không thể bàn cãi. Ông Clark cho rằng, mỗi người New Zealand sinh ra đều có quyền được sử dụng nguồn nước uống sạch và an toàn. Đây được xem là vấn đề quan tâm chính của các cộng đồng. Vì vậy, cơ quan chuyên giám sát sử dụng nước đã được thành lập để giúp củng cố niềm tin của người dân New Zealand vào độ an toàn của nguồn nước uống sử dụng mỗi ngày.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã cam kết, sẽ làm sạch những con sông và hồ của đất nước để thế hệ con cháu mai sau có thể bơi ở đó. Theo báo cáo, hiện nay nguồn nước ngầm ở 59% giếng không đạt tiêu chuẩn do sự xuất hiện của khuẩn ecoli và 13% giếng do có nitrat. Khoảng 57% các hồ được giám sát có chất lượng nước kém và 76% cá nước ngọt bản địa gặp nguy hiểm hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. 1/3 côn trùng nước ngọt cũng bị đe dọa tuyệt chủng. Nhóm bảo tồn Forest and Bird cho biết, thủ phạm chính làm suy giảm chất lượng nguồn nước ngọt là việc lạm dụng quá nhiều phân bón, tưới tiêu và nuôi bò. Bộ trưởng phụ trách Biến đổi khí hậu New Zealand James Shaw cho biết, một phần cũng do tác động của biến đổi khí hậu làm mực nước biển tăng, nhiệt độ mặt đất và nhiệt độ đại dương ấm lên.