Cục Y tế Dự phòng đề nghị sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người đến từ các quốc gia có dịch bệnh. Đặc biệt, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch, trong vòng 21 ngày, cần thực hiện ngay cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hoặc Viện Pasteur TPHCM để xét nghiệm xác định.
Cùng với đó, yêu cầu các địa phương tăng cường công tác phòng chống nhiễm khuẩn và ngăn ngừa lây nhiễm chéo tại bệnh viện khi thực hiện tiếp nhận, khám, điều trị bệnh nhân tại các cơ sở y tế. Đặc biệt, chú ý khai thác tiền sử các bệnh nhân trở về từ khu vực đang có dịch để phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời; thường xuyên cập nhật cho cán bộ y tế về tình hình dịch bệnh, công tác giám sát, phòng chống, điều trị bệnh do virus Ebola.
Theo Bộ Y tế, mặc dù Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh do virus Ebola nhưng nguy cơ dịch bệnh do virus Ebola xâm nhập vào Việt Nam qua hành khách về từ vùng có dịch là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo, tình hình dịch bệnh do virus Ebola tại châu Phi, đặc biệt là tại Cộng hòa dân chủ Congo diễn biến phức tạp. Từ tháng 4-2018 đến nay, tại Congo đã ghi nhận 2.522 trường hợp mắc, trong đó có 1.698 ca tử vong. Trước diễn biến của dịch bệnh do virus Ebola gây ra, Ủy ban Khẩn cấp thực hiện Điều lệ y tế quốc tế của WHO về dịch bệnh Ebola đã họp và tuyên bố dịch bệnh do virus Ebola tại Congo là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế, khuyến cáo các quốc gia thực hiện các biện pháp dự phòng, ứng phó để phòng chống dịch bệnh.