Ngày 8-4 vừa qua, voi xuất hiện tại ấp 3, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán, ảnh) phá rẫy của người dân, quật bị thương một con bò, tấn công anh L.T.L. (người dân địa phương) trọng thương, phải đi bệnh viện cấp cứu. Theo người dân xã Thanh Sơn, từ năm 2022 đến nay, đàn voi rừng khoảng 5-6 con thường xuất hiện, lúc vào ban ngày, lúc vào ban đêm; người dân đốt lửa, chiếu đèn pin, dùng loa phóng thanh, gây tiếng động lớn để xua đuổi. Còn tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, huyện Vĩnh Cửu), trong 3 tháng đầu năm 2023, đàn voi xuất hiện 8 lần phía trong hàng rào điện thuộc khu vực rừng tự nhiên. Voi đi theo đàn, di chuyển qua lại giữa khu bảo tồn với Vườn quốc gia Cát Tiên. Mới đây, con voi ngà lệch xuất hiện ở khu vực nhà làm việc của Trạm Kiểm lâm Đakinde, phá hết những cây chuối trồng quanh trạm.
Theo lực lượng kiểm lâm tỉnh Đồng Nai, hiện đang cao điểm mùa khô, sinh cảnh sống bị thu hẹp, thức ăn thiếu nên đàn voi thường về nương rẫy của người dân phá hoại hoa màu, khiến xung đột giữa người và voi thêm căng thẳng. Để tạo sinh cảnh và làm thức ăn cho voi, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai vừa phối hợp Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên và Công ty Intel Products Việt Nam trồng làm giàu khoảng 20.000m2 rừng nghèo với hơn 1.000 cây các loại. Trước đó, năm 2017, tỉnh Đồng Nai đã chi 85 tỷ đồng xây hàng rào điện dài 50km tại các xã Mã Đà, Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) và xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) nhưng đàn voi vẫn tìm cách chui qua ở những chỗ chưa có hàng rào điện để về các khu nương rẫy kiếm thức ăn. Do đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã xây dựng bổ sung thêm 25km hàng rào điện ở ấp 5, xã Thanh Sơn (huyện Định Quán) đến ấp 4, xã Tà Lài và xã Đắc Lua (huyện Tân Phú).
Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam và Tổ chức Humane Society International tại Việt Nam cũng đã bàn giao cho Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai 10 máy ảnh và 60 bẫy ảnh cùng một số thiết bị để tăng cường giám sát, từ đó xây dựng kế hoạch bảo tồn đàn voi hoang dã tốt hơn, ngăn chặn voi phá hoại nương rẫy, hạn chế xung đột giữa voi và người.