Giám sát mã số vùng trồng nông sản xuất khẩu

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) khẳng định, nếu không kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh tế của nông dân. Bởi hiện nay, nhiều cơ sở đã không tuân thủ nghiêm các quy định liên quan đến vấn đề này.
Thanh long ruột đỏ xuất khẩu trồng tại xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ảnh: CAO THĂNG
Thanh long ruột đỏ xuất khẩu trồng tại xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ảnh: CAO THĂNG

Đảm bảo truy xuất nguồn gốc vườn trồng

Việc cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói hiện nay thực hiện theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Như vậy, chỉ có nông sản (chủ yếu là rau quả tươi) sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số mới có thể xuất khẩu sang các nước đã ký hiệp định thương mại đa phương hoặc song phương với Việt Nam như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… 

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, với cây ăn quả xuất khẩu, từng thị trường sẽ có quy định liên quan đến mã số vùng trồng khác nhau. Nhưng mục tiêu chung của việc cấp, quản lý và giám sát vùng trồng đã được cấp mã số là để đảm bảo truy xuất được đến từng vườn trồng về các loại sinh vật gây hại đã phát hiện, biện pháp quản lý sinh vật gây hại trên vườn trồng; đặc biệt là ghi nhận về các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đã sử dụng. Mỗi mã số vùng trồng được cấp luôn có thời hạn và theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ  giám sát để đảm bảo vùng trồng đó đang được quản lý tốt. Trường hợp không đạt yêu cầu theo quy định của nước nhập khẩu, mã số sẽ bị thu hồi.

Đối với các thị trường khó tính như EU, Mỹ, New Zealand, Hàn Quốc… thì quy định về vùng trồng, cơ sở đóng gói được thể hiện trong các văn bản điều kiện nhập khẩu hoặc kế hoạch thực hiện với từng loại nông sản cụ thể, cũng có một số loại sản phẩm thực hiện theo cùng một văn bản quy định chung của nước nhập khẩu. Đến nay, đối với các thị trường trên đã cấp được 998 mã số vùng trồng; trong đó nhiều nhất là thị trường Mỹ (471 mã số), tiếp đó là Australia và New Zealand (393), Hàn Quốc (199)... Ngoài ra, cũng đã cấp 47 mã số cho cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu sang các thị trường này. 

Riêng với Trung Quốc, do lượng trái cây xuất khẩu sang thị trường này rất lớn, lên tới 3-4 triệu tấn/năm, chủng loại đa dạng nên để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này phải xuất phát từ vùng trồng, cơ sở đóng gói do Bộ NN-PTNT Việt Nam cấp mã số và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, áp dụng từ năm 2019. Tính đến tháng 8-2020, đã có 47 tỉnh được cấp 1.735 mã số vùng trồng với diện tích trên 180.000ha cho 9 loại quả tươi (thanh long, xoài, nhãn, vải, chôm chôm, dưa hấu, chuối, mít và măng cụt) và 1.832 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu chính ngạch. Trong số này, xoài, nhãn, thanh long là sản phẩm có nhiều mã số vùng trồng được cấp nhất. Riêng với khu vực ĐBSCL, hiện đã cấp 628 mã vùng trồng và 924 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Vùng trồng được cấp mã số phải đáp ứng các yêu cầu: Nhận diện được vùng trồng (thường sử dụng hệ thống định vị GPS); Áp dụng thực hành nông nghiệp tốt, trong đó chú trọng đến công tác ghi chép nhật ký canh tác (được lưu trữ, bảo quản tốt) để phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc khi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra; Theo dõi thường xuyên tình hình sinh vật gây hại; Thực hiện tốt vệ sinh đồng ruộng và các biện pháp canh tác, phòng trừ sinh vật gây hại để đảm bảo mật độ sinh vật gây hại luôn ở mức thấp; Đảm bảo không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép theo quy định của nước nhập khẩu. Hoặc các yêu cầu khác, tùy thuộc vào thị trường nhập khẩu và loại nông sản mục tiêu.

Còn nơi lơi lỏng

Việt Nam đã đưa quy định về cấp và quản lý mã số vùng trồng vào Luật Trồng trọt (Điều 64). Bộ NN-PTNT có trách nhiệm hướng dẫn việc này và đã giao Cục Bảo vệ thực vật xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam về việc thiết lập và giám sát vùng trồng phục vụ xuất khẩu. 

Giám sát mã số vùng trồng nông sản xuất khẩu ảnh 1 Thanh long ruột đỏ xuất khẩu trồng tại xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ảnh: CAO THĂNG

Việc kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói để đề nghị cấp mã số và giám sát mã số (đã được cấp) chủ yếu do các địa phương thực hiện. Sau khi kiểm tra, giám sát sẽ báo cáo kết quả về Cục Bảo vệ thực vật để được cấp mã số và gửi thông tin sang nước nhập khẩu. Tuy nhiên, việc quản lý mã số tại một số địa phương thời gian qua vẫn còn lỏng lẻo, chưa được chú trọng trong khâu xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói sau khi đã cấp mã số. Sự liên kết giữa vùng trồng, cơ sở đóng gói được cấp mã số với các cơ quản lý ở địa phương, trung ương để kiểm soát hàng hóa xuất khẩu một số nơi chưa chặt chẽ. 

Đặc biệt, nhiều địa phương chưa phân công cho một cơ quan chuyên môn làm đầu mối để thực hiện quản lý, giám sát và hướng dẫn đối với việc kiểm tra và quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói. Điều này dẫn tới việc không thống nhất trong quá trình xử lý công việc. Về phía doanh nghiệp xuất khẩu, đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, mạo danh mã số của nhau để xuất khẩu, gây ảnh hưởng lớn đến uy tín hàng trái cây Việt Nam xuất khẩu và các đơn vị chủ sở hữu mã số.

Điển hình, tháng 6-2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo đến cơ quan Kiểm dịch Thực vật Việt Nam về 220 lô xoài (khoảng 3.300 tấn/tổng số 750.000 tấn đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong 2 năm 2019 và 2020 - chiếm 0,43% tổng lượng xuất khẩu) vi phạm quy định về kiểm dịch thực vật với nhiều nguyên nhân khác nhau. Phía Trung Quốc yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói để phối hợp điều tra nguyên nhân, đề xuất biện pháp khắc phục và nâng cao công tác quản lý; trong đó nhiều nhất là tại Tiền Giang (có 15 mã số đóng gói và vùng trồng), An Giang (7) và Vĩnh Long (2).

Mặc dù tỷ lệ số mã số cơ sở đóng gói và vùng trồng đang bị phía Trung Quốc tạm ngưng xuất khẩu không lớn, nhưng đây là tín hiệu cho thấy công tác kiểm tra, giám sát và quản lý mã số vùng trồng đối với các loại nông sản xuất khẩu cần phải được rà soát, chấn chỉnh kịp thời. Nếu không, sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế nói chung và Trung Quốc nói riêng.

Hỗ trợ 350 cơ sở đăng ký nhãn hiệu sản phẩm

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia, giai đoạn 2021-2025. Chương trình có mục tiêu xây dựng 340 mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ. Ứng dụng 1.600 máy móc thiết bị và 300 dây chuyền công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Hỗ trợ 350 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho khoảng 60 cụm công nghiệp. Hình thành cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; đào tạo nghề cho 10.000 lao động theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn gắn với yêu cầu của thị trường.


ĐBSCL có hơn 362.000ha cây ăn quả

Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), các tỉnh vùng ĐBSCL hiện có hơn 362.000ha cây ăn quả, chiếm hơn 34% tổng diện tích cây ăn quả của cả nước. Trong đó, tỉnh Tiền Giang có diện tích cây ăn quả lớn nhất với hơn 78.000ha, tiếp đó là Vĩnh Long trên 47.000ha, Hậu Giang hơn 36.000ha, Đồng Tháp 31.000ha... Hàng năm, chỉ riêng các tỉnh ĐBSCL cung cấp cho thị trường trên 4 triệu tấn quả phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.

Chủng loại cây ăn quả ở ĐBSCL gồm xoài, chuối, thanh long, cam, quýt, bưởi, nhãn, sầu riêng, mít, chôm chôm, na, vú sữa, măng cụt, ổi, roi (mận), hồng xiêm (sapoche), mãng cầu xiêm, dứa (khóm)… Nhiều loại cây ăn quả có diện tích trồng trên 10.000ha như cây có múi, xoài, nhãn, sầu riêng, chuối, thanh long, khóm (dứa), mít, chôm chôm… Trong số này, các doanh nghiệp xuất khẩu cây ăn trái đã chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các vùng trồng đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản.


Bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhiều sản phẩm

Trong năm 2020, Cục Sở hữu trí tuệ đã ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho nhiều sản phẩm nông nghiệp. Trong số này có sản phẩm khóm Cầu Đúc tại huyện Long Mỹ và TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang; bưởi Khả Lĩnh ở thôn Khả Lĩnh, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái; cam sành Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang; thanh long Châu Thành, tỉnh Long An, các sản phẩm này cũng đã được đăng ký bảo hộ tại Mỹ, Singapore, Trung Quốc… 

Tin cùng chuyên mục