Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, từ năm 2006, Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có Nghị quyết liên tịch số 05/2006 ban hành Quy chế “MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư”. Từ thực tiễn triển khai thực hiện, có thể khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân, được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm, đồng tình và hưởng ứng.
Có 5 tỉnh thành thí điểm thực hiện quy chế giám sát này là Hà Nội, TPHCM, Ninh Bình, Quảng Bình và Tiền Giang.
Chủ trương MTTQ Việt Nam giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư nhằm góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở các địa phương được chọn làm điểm đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp và tạo điều kiện tích cực, nghiêm túc, qua đó phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai thực hiện.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Lý Ngọc Thạch, Trưởng ban Dân chủ và Pháp luật, MTTQ TPHCM nói về thực trạng giám sát đảng viên, cán bộ, công chức trên địa bàn. Theo ông Thạch, có những đảng viên tuy hộ khẩu ở nơi cư trú, nhưng lại sinh sống nơi khác. Chỉ cuối năm mới chạy về nơi có hộ khẩu xin chi bộ, MTTQ nhận xét. “Các bác hưu trí thì cũng thương tình nên nhận xét”, ông Thạch nói. Mặt khác, nhiều đảng viên tại TPHCM chỉ cho thuê nhà ở nơi cư trú, rồi sinh hoạt đảng ở nơi khác nhưng lại chẳng chuyển nhận xét đảng viên về nơi cư trú nên cũng gây khó khăn cho công tác giám sát của MTTQ.
Đặc biệt, việc giám sát kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ, công chức là rất khó khăn. Bởi việc kê khai tài sản chỉ được niêm yết tại nơi làm việc, còn nơi cư trú thì không. “Như thế thì làm sao nhân dân biết được tài sản của đảng viên, cán bộ đó là bất minh”, ông Thạch đặt vấn đề.
Ông Thạch nêu thực trạng và nói rằng việc giám sát chỉ “nắm người có tóc” chứ lãnh đạo cấp cao là rất khó giám sát.
Theo ông Thạch, để giải quyết vấn đề này, vừa qua, MTTQ Việt Nam TPHCM đã kiến nghị về việc đảng viên, cán bộ phải có trách nhiệm tiếp thu và trả lời các kiến nghị của MTTQ, của nhân dân. Nếu đảng viên, cán bộ không đồng ý kiến nghị của mặt trận thì mặt trận tổ chức đối thoại. Đối vối đảng viên là lãnh đạo, MTTQ Việt Nam TPHCM đã kiến nghị chỉ giám sát đạo đức, lối sống và mối quan hệ với người dân. Dù vậy thì theo ông Thạch, giám sát người đứng đầu vẫn rất là rất khó khăn. “Giám sát thế nào? Khó lắm! Chẳng nhẽ nói anh ơi, tụi em chuẩn bị giám sát anh”, ông Thạch ví dụ.
Ông Lý Ngọc Thạch kiến nghị phải tăng cường sự vào cuộc của báo chí trong thực hiện quy chế giám sát này, vì thực tế báo chí là nơi phát hiện nhiều sai phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức, đảng viên.
Tại tọa đàm, ông Phạm Đăng Nguyên, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình cho biết Ninh Bình đã từng giám sát bằng cách lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu. Theo đó, ngoài bốn chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND, HĐND thì Ninh Bình còn mở rộng lấy phiếu tín nhiệm các chức danh các ngành địa chính, tài chính, thương binh xã hội, văn hóa. Kết quả, sau 3 năm thực hiện 2007-2009 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lại thu hẹp về 4 chức danh ban đầu vì có nhiều ý kiến cho rằng lấy phiếu tín nhiệm rộng như vậy là vi phạm Luật Cán bộ, công chức. Tuy vậy, ông Nguyên cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm là rất tích cực.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Bùi Anh Tuấn khẳng định Nghị quyết liên tịch số 05 là chủ trương phát huy dân chủ cơ sở, quyền, trách nhiệm của người dân trong xây dựng Đảng, chính quyền, giúp cho hệ thống đảng viên, cán bộ công chức nâng cao ý thức trách nhiệm khi thực thi công vụ. Tuy nhiên việc giám sát của mặt trận đối với cán bộ, công chức, đảng viên còn nnhieeuf khó khăn, thiếu cả nguồn lực và nhân lực để thực hiện. Nhiều cán bộ mặt trận đã tuổi cao, sức yếu, năng lực giám sát có hạn chế.
Từ thực tế hiện nay, ông Bùi Anh Tuấn cho rằng vẫn chưa có hướng dẫn giám sát cán bộ, đảng viên nơi cư trú, trong khi đó thực tế việc giám sát hiện nay đang chủ yếu diễn ra ở nơi làm việc. “Vì vậy, việc giám sát nên tích hợp cả nơi cư trú và nơi công tác. Quan trọng là cơ chế và quy trình, cách thức giám sát”, ông Tuấn nói.