Hà Nội đìu hiu “phố Hàn, phố Nhật”
Lâu nay, khu vực Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy) và Mỹ Đình - Sông Đà (quận Nam Từ Liêm) là nơi tập trung sinh sống và làm việc của nhiều người Hàn Quốc ở Hà Nội. Các tuyến phố như: Nguyễn Thị Định, Hoàng Ngân, Hoàng Minh Giám, Hoàng Đạo Thúy, Mễ Trì... từng được mệnh danh là “phố Hàn” vì tại đây có rất nhiều nhà hàng, quán ăn, bar, karaoke, siêu thị phục vụ chủ yếu người dân xứ sở “kim chi”. Tuy nhiên, những ngày gần đây, hoạt động tại các địa điểm này trở nên trầm lắng, khá đìu hiu. Một số nhà hàng của người Hàn Quốc ở đây hầu như không có khách, nên vài nơi tạm đóng cửa. Cũng giống như ở “phố Hàn”, khu vực phố Kim Mã, Thủ Lệ và Ngọc Khánh (quận Ba Đình), nơi được mệnh danh là “phố Nhật” do có khá nhiều người Nhật Bản tạm trú hiện cũng trở nên vắng vẻ hơn mọi khi, nhiều nhà hàng, siêu thị nơi đây hiện đã tạm dừng hoạt động.
Ở một số chung cư như Hapulico, Rivea Park..., thuộc quận Thanh Xuân, nơi có nhiều người Hàn Quốc thuê nhà, ban quản lý cùng chính quyền phường đã kiểm tra, nhắc nhở các biện pháp phòng dịch; trang bị nước rửa tay sát khuẩn, biển báo nhắc nhở đeo khẩu trang trước cửa thang máy... Tính đến ngày 24-2, quận Thanh Xuân chỉ còn giám sát tại nhà 10 trường hợp từ vùng dịch về hoặc quá cảnh qua vùng có dịch trong vòng 14 ngày. Ông Nguyễn Đức Viên, Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy, cho biết, đến nay, các lực lượng đã thống kê, theo dõi 5.876 người nước ngoài, trong đó có 409 người Trung Quốc, 3.064 người Hàn Quốc, 32 người Singapore tạm trú tại 243 cơ sở trên địa bàn. Tất cả đang được giám sát sức khỏe chặt chẽ.
TPHCM rà soát từng nhà
Ngày 25-2, Ban Quản lý chung cư The Eastern (phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM) tiếp tục kiểm tra thân nhiệt cùng “dấu hiệu bất thường” của một cư dân Hàn Quốc vừa từ quê nhà quay lại đây. Tối 24-2, một cư dân chung cư The Eastern thông tin trên diễn đàn nội bộ rằng, người Hàn Quốc này đã bị nhiễm Covid-19 và điện thoại đến đường dây nóng Bộ Y tế thông báo. Qua điều tra dịch tễ của các lực lượng chức năng sau đó, người này không đến từ vùng dịch và thân nhiệt chỉ 36,5°C.
Quận Tân Bình cũng có hàng trăm người Hàn Quốc sinh sống, làm việc, tập trung nhiều tại các phường 2, 4, 7… Ở phường 2, nơi có 71 người Hàn Quốc cư trú, UBND phường cho biết đang rà soát thông tin 2 nữ tiếp viên Hãng hàng không Quốc gia Hàn Quốc, đăng ký lưu trú tại khách sạn B.M. (đường Bạch Đằng) từ ngày 14-2 đến ngày 5-5. Phường 7 có 4 người Hàn Quốc cư trú, 13 người tạm trú, làm việc tại Công ty KaZan. Họ rất thân thiện, hợp tác với cán bộ phòng chống dịch của địa phương.
Quận 7 có khoảng 11.000 người Hàn Quốc sinh sống (trong tổng số 70.000 người nước ngoài trên địa bàn TP), chủ yếu ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (thuộc 2 phường Tân Phong, Tân Phú). Những chung cư, tòa nhà có nhiều người Hàn Quốc sinh sống, làm việc đều thực hiện việc ghi nhận người ra vào lưu trú, trang bị thiết bị đo thân nhiệt, trong khi đội ngũ phục vụ đeo khẩu trang và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.
Thượng tá Phạm Văn Thắng, Chỉ huy trưởng Biên phòng cửa khẩu Cảng Bộ đội Biên phòng TPHCM, thông tin, từ đầu tháng 2 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 2.077 hành khách, chủ yếu người Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Thụy Điển. Riêng hành khách đến từ vùng dịch, có 3 khách Trung Quốc, 4 khách Nhật Bản, chưa có khách Hàn Quốc. Đơn vị luôn tuân thủ chặt chẽ, thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng chống dịch. Đối với du khách đến từ vùng dịch như Hàn Quốc, bên cạnh công tác kiểm soát chặt chẽ, cán bộ chiến sĩ luôn thân thiện, cởi mở để họ cảm nhận mình không bị phân biệt đối xử.