Đặt hàng dỏm từ nước ngoài
“Chỉ cần vài cú nhấp chuột trên mạng, hàng loạt mặt hàng tiêu dùng từ bình dân đến nổi tiếng thuộc đủ loại thương hiệu trên thế giới đều… có mặt và mức giá siêu rẻ đến bất ngờ”. Cùng với đó chứng từ các loại vẫn có thể được cung cấp đầy đủ như cam kết của bên bán. Thế mới lạ! Vậy thực sự đằng sau chiêu trò quảng bá đó là gì? “Hàng giá rẻ nhưng lại yêu cầu chất lượng cao, chính hãng. Vô lý hết sức. Tiền nào của đó thôi! Cái chính là đánh vào tâm lý sính ngoại, chuộng hàng hiệu nhưng tài chính hạn hẹp của người mua. Tuần nào tôi cũng đánh hàng từ khu vực biên giới phía Bắc, xuôi theo đường tiểu ngạch để đưa hàng về. Lấy hàng quen, có đầu mối sẽ dễ thôi”, chị Huê My, chuyên doanh quần áo thời trang, kính mát nhập khẩu tại quận 3, TPHCM, nói. Có một kiểu bán hàng tinh vi hơn, nhưng khách khó phát hiện chính là thủ thuật “trộn hàng” kiểu 5/5 hoặc 7/3, tức một nửa hàng thật trộn với hàng nhái, hoặc 70% hàng nhái trộn cùng 30% hàng thật… Hàng được bán mạnh vào dịp khuyến mãi nhân các ngày lễ lớn khiến người tiêu dùng rất khó phát hiện. “Chẳng ai biết hết các chiêu trò, thủ thuật này. Ví dụ, một đôi giày hàng thật tặng kèm một đôi giày hàng khuyến mãi; hoặc chiếc áo khuyến mãi giá chỉ bằng 20% - 30% giá ban đầu. Sản phẩm có hình thức y chang, nhưng chất lượng không biết được. Chỉ khi nào sử dụng mới rõ nhưng đó là chuyện đã rồi vì nơi bán đưa ra quy định không bảo hành đối với sản phẩm khuyến mãi”, anh Ngọc Anh, nhân viên từng bán hàng tại một trung tâm thương mại trên địa bàn TPHCM, tâm sự.
Chính vì vậy, nhiều mặt hàng tiêu dùng trên thị trường bỗng nhiên có giá mềm bất ngờ so với hàng cùng loại và tốt nhất, người tiêu dùng nên thận trọng khi mua. Trước đó, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã ra quân kiểm tra, phát hiện một số kho hàng “khủng” chứa mỹ phẩm nhập lậu từ Mỹ, Australia các loại với tổng trị giá lên đến hàng chục tỷ đồng. Đáng chú ý, QLTT TP cũng phát hiện những kho hàng có tem nhãn thật trộn chung với hàng nhái, sản phẩm thật đặt cùng sản phẩm nhái thuộc các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới… Trong quá trình truy xuất thông tin, chủ hàng khai nhận một số lô hàng được đặt trực tiếp cho các đối tác chuyên doanh hàng giả, hàng nhái từ nước ngoài sản xuất, sau đó đưa về Việt Nam gắn nhãn hiệu, rồi tiếp tục đưa sang thị trường khác tiêu thụ. Thủ đoạn của các tay buôn lậu, kinh doanh hàng dỏm thường là cất giấu sản phẩm tại nhiều kho hàng; sau đó quảng cáo, bán hàng qua mạng xã hội…
Khuyến khích tố giác tội phạm
Thống kê nhanh từ đầu năm 2018 đến nay, QLTT TP đã phát hiện, xử lý trên 3.000 vụ vi phạm, với hơn 750.000 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm trôi nổi các loại; gần 190.000 sản phẩm quần áo, giày dép, đồ chơi trẻ em… Trong số đó, nhiều mặt hàng giả mạo, nhập lậu các loại, chẳng hạn như túi xách, ví da, mắt kính giả thương hiệu Nike, Chanel, Gucci, Goyard, Rolex, Omega, Prada, Hermes, Tissot... Thêm nữa, QLTT TP cũng phát hiện hàng trăm ngàn sản phẩm mỹ phẩm không ghi nhãn phụ tiếng Việt, không ghi đầy đủ thông tin bắt buộc theo quy định, một số mặt hàng đã quá hạn sử dụng…
Theo ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP, hiện các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng lắm chiêu trò tinh vi. Hàng hóa thẩm lậu vào thị trường nội địa bằng nhiều hình thức, chẳng hạn như hàng xách tay, đường tiểu ngạch, gian lận khai báo hải quan (về chủng loại, xuất xứ…). Chưa kể đến việc, những tay buôn lậu thường thuê sẵn kho chứa hàng tại các khu vực vùng ven, nhưng có khi chỉ giao kết hợp đồng miệng với chủ các kho hàng hoặc lập hợp đồng thuê kho… Nên khi cơ quan chức năng phát hiện, chủ hàng sẵn sàng bỏ trốn, không thừa nhận lô hàng nên gây khó khăn cho công tác xử lý theo quy định.
Trước tình hình này, QLTT TP đã phối hợp với ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn TPHCM đẩy mạnh công tác phòng chống hàng trôi nổi bằng cách khuyến khích, động viên người dân chủ động tố giác tội phạm. Riêng bà con tiểu thương, QLTT khuyến nghị ký cam kết không chứa trữ, kinh doanh hàng giả, hàng gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, tạo lập môi trường kinh doanh văn hóa, lành mạnh… Thế nhưng, qua nhiều đợt kiểm tra gần đây cho thấy, tiểu thương vẫn vi phạm, có trường hợp tái phạm nhiều lần. Điều này liên quan tới sự phối hợp kiểm tra, xử lý giữa các ban ngành địa phương, cũng như chế tài xử phạt chưa đủ răn đe người vi phạm. Rõ ràng, ngoài cơ chế phối hợp liên ngành, tăng cường kiểm tra, giám sát của lực lượng chuyên ngành QLTT như hiện nay, thì rất cần giao trách nhiệm, đồng thời có sự giám sát trực tiếp của người đứng đầu từng địa phương, quận, huyện nếu để xảy ra tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng gian lận thương mại. Chỉ cần làm triệt để, mạnh tay và trách nhiệm hơn đối với công tác chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại thì chắc chắn sẽ giảm đáng kể các mặt hàng trôi nổi bày bán công khai như hiện nay.