Cần cơ chế quản trị rủi ro trong DNNN
Ông Trần Văn Huy, đại diện Saigontourist Group cho rằng cần luật hóa vấn đề quản trị rủi ro trong DNNN. Thời gian vừa qua đã cho thấy, rủi ro không chỉ đến từ thiên tai, dịch bệnh, mà còn cả chiến tranh, sự thay đổi chính sách... Trong dự thảo luật cần xây dựng các khái niệm về rủi ro, giới hạn chấp nhận rủi ro, quản trị rủi ro, các điều khoản về phòng chống, kiểm soát và quy trình kiểm soát rủi ro…
“Việc có các quy định này sẽ làm giảm thiểu rủi ro trong điều hành, quản lý doanh nghiệp cũng như việc xác định giới hạn rủi ro sẽ giúp cho doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm cụ thể của mình trong việc bảo toàn nguồn vốn mà tổ chức, cá nhân được giao quản lý”, ông Huy nói.
Ông dẫn chứng trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới công nghệ là lĩnh vực rủi ro rất cao. Trong luật khoa học, nhà khoa học được miễn trừ trách nhiệm dân sự, còn doanh nghiệp là nhà đầu tư không được miễn trừ, sẽ không tạo được động lực để doanh nghiệp bỏ tiền đầu tư phát triển lĩnh vực này.
Thực tế là hiện có quy định về xử lý tài chính khi doanh nghiệp thua lỗ, làm mất vốn, với quy trình bài bản. Tuy nhiên đây chỉ là giải quyết hậu quả của việc mất vốn đầu tư, mất vốn doanh nghiệp mà đôi khi nguyên nhân là do tác nhân rủi ro không thể lường trước được.
Với phương châm phòng, chống từ sớm vẫn tốt hơn là giải quyết sự việc đã xảy ra, nên việc nhìn nhận, xây dựng và vận hành quản lý doanh nghiệp về quản trị rủi ro trong giai đoạn này là cần thiết, bắt buộc. Cần luật hóa khái niệm quản trị rủi ro trong dự thảo luật lần này.
Góp ý thêm vấn đề này, ông Vũ Ngọc Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (CNS) cho biết, hoạt động đầu tư của doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu bảo toàn, phát huy hiệu quả vốn đầu tư nhưng đến nay chưa có một hướng dẫn hay văn bản nào quy định cụ thể. Theo ông, nên có quy định về bảo toàn, phát triển vốn đầu tư của DNNN.
Ông Vũ Ngọc Nam cho biết CNS đang đầu tư dự án nghiên cứu khoa học tại Nga, sản xuất tua bin điện gió 9 cánh, là một dự án rủi ro, chưa chắc có thành công hay không, với giá trị đầu tư khoảng 270 tỷ. Nếu không thành công hay mất vốn, dự án khoa học mang tính tiên phong như vậy sẽ có thể rơi vào trường hợp “không bảo toàn, phát triển hiệu quả vốn đầu tư”.
Theo ông Nam, phải có nguyên tắc bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, nhất là với các dự án đi tiên phong, mang tính rủi ro cao.
Giám sát chặt để doanh nghiệp... đỡ sợ
Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Tấn Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty IPC bày tỏ lo ngại khi luật phân cấp nhiều nhưng chưa có cơ chế giám sát tương xứng. Ở IPC, hiện có rất nhiều vụ án được phân cấp cho làm, vài ba năm sau thì bị kết luận là sai, trở thành vụ án.
Ông Cường cho rằng cần cơ chế giám sát cụ thể hơn, có cơ quan giám sát cụ thể, giám sát 6 tháng, hàng năm. Khi doanh nghiệp làm dự án, cơ quan giám sát thấy sai thì doanh nghiệp ngưng lại liền, thay vì để doanh nghiệp làm xong, rồi sai phạm và bị bắt.
Ông Cường cũng thông tin vào khoảng 15 năm trước, khi ông còn làm ở Cục quản lý vốn DNNN thuộc Sở Tài chính, hàng năm Cục đều cùng các ngành chức năng kiểm tra doanh nghiệp, khi đó các doanh nghiệp rất yên tâm để làm.
“Cơ chế giám sát cần cụ thể hơn, cơ quan nào giám sát, cần thiết hàng năm thành lập đoàn kiểm tra, giúp doanh nghiệp yên tâm hơn để làm việc. Chứ nhiều anh em về hưu rồi vẫn còn bị mời lên làm việc, rất sợ”, ông Cường nói.
Về các trường hợp không được đầu tư trong khoản 4 điều 30 dự thảo luật, Phó Tổng giám đốc CNS Vũ Ngọc Nam nêu thực tế hiện nay việc đầu tư của công ty mẹ vào công ty con rất vướng mắc. CNSi đang quản lý Công ty phát triển phần mềm Quang Trung, vốn điều lệ chỉ 154 tỷ đồng, được TP giao rất nhiều nhiệm vụ chính trị liên quan phát triển Khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung, các tiện ích liên quan đô thị thông minh, nhưng không có vốn để đầu tư. Trong khi công ty mẹ có vốn rất dồi dào, nhưng khả năng đầu tư phát triển dự án nhà nước giao cho công ty con thì lại không được.
“Luật phải có cơ chế để giải phóng được nguồn lực trong các cơ quan nhà nước để thực hiện đơn giản thôi. Luật cũng nên phân cấp cho TPHCM nhiều hơn nữa để quyết định các vấn đề riêng có của TP”, ông Nam nêu ý kiến.