Ngày 22-5, liên quan tới bệnh đậu mùa khỉ đang xuất hiện tại một số quốc gia trên thế giới với nhiều người mắc, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt chẽ căn bệnh này để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập; phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kịp thời cập nhật các thông tin về căn bệnh và các biện pháp ứng phó.
Căn bệnh đậu mùa khỉ này nhẹ hơn so với bệnh đậu mùa trước đây (phát hiện ở người năm 1970 nhưng bệnh chỉ khu trú ở khu vực Trung Phi và Tây Phi). Cho tới năm 2019-2020, một số nước trên thế giới đã ghi nhận một số trường hợp mắc đậu mùa khỉ nhưng đều có liên quan tới 2 khu vực lưu hành bệnh trên. Tuy nhiên, từ tháng 5-2020, nhiều nước trên thế giới đã ghi nhận các ca mắc đậu mùa khỉ nhưng chưa xác định có liên quan tới vùng lưu hành bệnh hay không.
Theo thông báo của WHO, tính đến ngày 21-5, đã có 92 ca bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận và 28 ca nghi nhiễm được báo cáo ở 12 quốc gia, trong đó có Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Canada, Bỉ, Đức, Australia, Mỹ... Đây là những quốc gia vốn không phải là nơi lưu hành của virus gây bệnh. WHO dự đoán sẽ xác định được nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ hơn vì đã mở rộng giám sát ở các quốc gia vốn không phải là nơi bệnh thường xảy ra.
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ này có cấu trúc và tính chất gây bệnh tương tự như thủy đậu, thuộc chi Orthopoxvirus, với triệu chứng đặc trưng là các mụn mủ. Bệnh hiếm khi gây tử vong. Một số triệu chứng phân biệt bệnh đậu mùa thông thường và đậu mùa khỉ là khi người bệnh bị sốt, đặc trưng của virus đậu mùa khỉ là phát ban khó chịu, khởi phát sau 1-3 ngày.
Các vết phát ban thường bắt đầu ở mặt, sau đó lan sang những bộ phận khác của cơ thể. Các tổn thương trên cơ thể người bệnh sẽ trải qua một số quá trình từ rát đến nổi mẩn, rồi mụn nước và mụn mủ. Cuối cùng, các vết tổn thương đóng vảy trước khi rụng hết và khỏi bệnh, để lại sẹo. Hiện các tổ chức và nhà khoa học đang tiếp tục theo dõi để có những cảnh báo, biện pháp ngăn chặn.