TPHCM dễ bị “tổn thương” do biến đổi khí hậu
TPHCM nằm ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai và giáp biển ở phía Nam, nơi có mạng lưới sông, kênh rạch chằng chịt; phân nửa độ cao địa hình của thành phố có đặc điểm là địa hình thấp. Mặt khác, thành phố là khu vực rất nhạy cảm với yếu tố KT-TV như vấn đề ngập khi mưa lớn và thủy triều dâng cao; thay đổi nhiệt độ làm tăng nhiệt độ vùng nội ô do mật độ xây dựng tăng cao. Đặc biệt, những thập niên gần đây, xu hướng biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang có diễn biến khó lường trên toàn cầu, làm ảnh hưởng đến Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, tác động rõ nét tới yếu tố tự nhiên và môi trường, quá trình phát triển kinh tế- xã hội và đời sống người dân. Dưới tác động của BĐKH, các hiện tượng KT-TV có xu hướng biến động phức tạp; mưa bão xuất hiện thất thường so với quy luật, tần suất xuất hiện ngày càng nhiều các hiện tượng thiên tai như bão, lũ lớn, mưa to tăng nguy cơ ngập lụt đối với các vùng đất thấp.
Trong Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn TPHCM, UBND TPHCM đã chỉ ra rằng, từ số liệu thống kê về thay đổi khí hậu thời gian qua, các thiệt hại cũng như ảnh hưởng của BĐKH đến TPHCM, có thể nhận thấy khả năng dễ bị “tổn thương” của thành phố trước những biến đổi cực đoan của khí hậu. Ví dụ về triều cường: tại trạm Phú An những năm gần đây đã xuất hiện khá nhiều đợt triều cường lớn và cao nhất trong trong chuỗi số liệu từ năm 1960.
Cụ thể, năm 2017, đã xuất hiện 9 đợt triều cường lớn (đỉnh triều tại trạm Phú An đạt và vượt mức báo động cấp III, riêng đợt triều đầu tháng 12-2017, đỉnh triều đạt 1,71m, đây là đỉnh triều cao nhất trong chuỗi số liệu từ năm 1960). Trong năm 2018, đã xuất hiện 7 đợt triều cường lớn (đỉnh triều đạt và vượt mức báo động cấp III, riêng đợt triều đầu tháng 2-2018, đỉnh triều đạt 1,71m). Sự thay đổi lượng mưa từ năm 1978 trở lại đây tại TPHCM cho thấy, lượng mưa ở khu vực ven đô thị về phía Tây và Tây Nam gia tăng trên 100mm so với thời kỳ trước. Ngoài ra, hiện tượng mưa cực đoan ở thành phố cũng thay đổi theo thời gian, số lượng cơn mưa lớn vượt ngưỡng có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Như vậy, xu thế lượng mưa của thành phố phần lớn do ảnh hưởng của BĐKH toàn cầu.
Trong tương lai, theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng do Bộ TN-MT công bố năm 2016, với kịch bản BĐKH trung bình (RCP 4.5), nhiệt độ của thành phố tăng l,90C vào năm 2100 so với giá trị trung bình của thời kỳ cơ sở (1986-2005).
Đồng bộ giải pháp
Theo Sở TN-MT TPHCM, trước những thách thức do tác động của BĐKH, đòi hỏi thành phố phải tăng cường công tác quản lý hoạt động KT-TV để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và đời sống người dân. Đặc biệt là công tác đo đạc, thu thập, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu KT-TV nhằm phục vụ công tác giám sát BĐKH, thích ứng BĐKH và phòng chống thiên tai. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy TPHCM, sở đã tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai tăng cường sự lãnh đạo của Nhà nước đối với công tác KT-TV đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn thành phố.
Để đạt các mục tiêu đề ra, UBND TPHCM đưa ra các giải pháp để thực hiện. Cụ thể, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý hoạt động KT-TV; kiểm tra, đôn đốc các hoạt động quan trắc, dự báo, cảnh báo và thực hiện các biện pháp phát triển hoạt động KT-TV trên địa bàn. Đề cao và phát huy vai trò của công tác KT-TV trong dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát, thích ứng với BĐKH. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác KT-TV nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng; đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động quan trắc, khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu KT-TV phải thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật. Từng bước hoàn thiện quy định, cơ chế chính sách liên quan đến công tác KT-TV trên địa bàn thành phố; chủ động nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để hoàn thiện hệ thống pháp luật về KT-TV.
Không dừng lại ở đó, thành phố chú trọng phát triển mạng lưới trạm quan trắc KT-TV chuyên dùng phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu. Đặc biệt, cần thiết đầu tư hệ thống thiết bị tiếp nhận, lưu trữ và quản lý dữ liệu quan trắc KT-TV tự động, liên tục từ các đối tượng phải quan trắc KT-TV trên địa bàn. Kết hợp nguồn lực từ ngân sách nhà nước với các nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước, nhất là các nguồn vốn ưu đãi quốc tế cho công tác KT-TV. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động KT-TV; phát triển mạnh thị trường dịch vụ KT-TV đáp ứng nhu cầu của các ngành, lĩnh vực. Đồng thời, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KT-TV; tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm với các nước, đối tác, tổ chức quốc tế.