Cụ thể, Chỉ thị 08/CT-BCT về việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành công thương nêu rõ, trước hết, việc áp dụng giảm thiểu sử dụng nhựa phải được triệt để thực hiện tại đơn vị đầu tư công, các đơn vị trực thuộc bộ, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp ngành công thương. Các đơn vị này phải có trách nhiệm vận động, yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức trong đơn vị hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa”, hạn chế sử dụng và tiến tới nói không với bao bì nhựa và sản phẩm nhựa sử dụng một lần
Về lâu dài, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát tình hình sử dụng, cũng như kiểm soát chất thải nhựa trên cả nước. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm nhựa tái chế, lĩnh vực tái chế chất thải nhựa gắn với phát triển ngành công nghiệp môi trường. Đặc biệt, về phía Vụ Thị trường, cần gấp rút đưa ra các giải pháp hạn chế sử dụng bao bì nhựa.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết toàn bộ hệ thống bán lẻ của đơn vị đã ngưng sử dụng bao bì nhựa không phân hủy, thay vào đó là bao bì nhựa tự hủy. Trong hệ thống mặt hàng kinh doanh của đơn vị cũng đã bước đầu giảm thiểu bán mặt hàng nhựa sử dụng một lần.
Tuy nhiên, phải thấy rằng việc áp dụng giải pháp này chưa được đồng bộ tại nhiều hệ thống bán lẻ khác, nhất là tại các chợ truyền thống, gây sức ép cạnh tranh rất lớn đến những doanh nghiệp đã chuyển đổi sang ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường. Nguyên nhân là do giá thành sản phẩm thân thiện môi trường nói chung cao hơn rất nhiều so với sản phẩm thiếu thân thiện môi trường.
Thuế môi trường hiện hành áp dụng mức thuế 150% - 250%/giá thành 1kg bao bì nhựa sản xuất. Thế nhưng, việc triển khai đánh thuế môi trường này tại nhiều địa phương đang bị bỏ ngỏ. Thực tế này dẫn đến giá thành sản xuất bao bì nhựa vẫn rẻ hơn rất nhiều so với bao bì nhựa thân thiện môi trường, nên không khuyến khích người tiêu dùng chuyển đổi trong hành vi sử dụng.
Có thể thấy, để giảm thiểu bền vững thói quen sử dụng nhựa, ngoài những chính sách vận động, tuyên truyền, cần thiết phải có những chế tài kinh tế đủ mạnh để chuyển đổi thói quen tiêu dùng của người dân. Có như vậy mới mong đạt được mục tiêu là đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần và đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.