Người thì “khoe” hôm nay đi mua trà sữa vào bình nước cá nhân, uống bằng ống hút inox. Người thì bảo mới sắm được chiếc giỏ nhựa đi chợ. Có người đơn giản là bày tỏ niềm vui vì bọc xôi sáng thường ngày nay đã được gói bằng lá sen, lá chuối, có người thích thú “check-in” địa điểm “tui bán rau không bán túi ni lông”...
Theo tôi, đây là hiệu quả từ việc truyền thông liên tục, đánh thức sự quan tâm của cộng đồng về vấn đề này. Còn nhớ cách đây mấy năm, việc đi chợ xách về 7 - 8 bọc ni lông là chuyện bình thường. Đi mua đồ ăn, cầm về bao nhiêu muỗng nhựa, hộp xốp cũng là điều bình thường. Nhưng vào thời điểm này, nếu làm những việc đó, có lẽ trong thâm tâm mỗi người ít nhất cũng gợn lên một chút áy náy, một chút ngập ngừng.
Bởi ít nhất họ đã nghe ở đâu đó về tác hại của rác thải nhựa và lời kêu gọi hạn chế dùng đồ nhựa một lần. Từ suy nghĩ tới hành động bao giờ cũng có khoảng cách. Nhưng nếu không có suy nghĩ thì sẽ không bao giờ có hành động. Nếu như không nhiều lần nghe thấy thông tin về rác thải nhựa, không có những phút giây áy náy, ngập ngừng khi xả rác, thì cũng sẽ không có hành động cụ thể để giảm thiểu nó.
Như vậy, càng nhiều người lên tiếng, vấn đề rác thải nhựa càng được quan tâm chú ý, và đến một lúc nào đó nó sẽ trở thành hành động. Các tổ chức quốc tế đã kiên trì lên tiếng nhiều năm qua. Ở Việt Nam, cả Thủ tướng cũng kêu gọi nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, tiến tới xã hội nói không với đồ nhựa dùng một lần.
Học trò từ cấp tiểu học cũng đã biết nghĩ ra những món đồ dùng thay cho đồ nhựa. Chị bán rau cũng đã lấy giấy báo, dây cói buộc rau thay vì cho vào túi ni lông. Chúng ta cần lên tiếng, hành động để rác thải nhựa dần biến mất khỏi hành tinh tươi đẹp này.