Giảm phụ thuộc

Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Gates đang lên kế hoạch về gói tài chính hỗ trợ các hoạt động tại châu Phi nhằm thúc đẩy ngành sản xuất dược phẩm và vaccine tại lục địa này phát triển. 
Một phụ nữ được tiêm vaccine Covid-19 tại Abuja, Nigeria. Ảnh: AP
Một phụ nữ được tiêm vaccine Covid-19 tại Abuja, Nigeria. Ảnh: AP

Thỏa thuận thành lập của Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Phi (AMA) vốn có hiệu lực từ tháng 11-2021, tuy nhiên cơ quan này hiện mới chỉ tồn tại trên giấy. Vấn đề hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho cơ quan tương lai này được coi là yếu tố đặc biệt quan trọng để giúp AMA khởi động, qua đó mở ra hy vọng thúc đẩy ngành công nghiệp dược phẩm và vaccine tại châu Phi.

Theo kế hoạch, Ủy ban châu Âu (EC) cùng chính phủ các nước Đức, Pháp, Bỉ và Quỹ Gates sẽ đầu tư hơn 100 triệu EUR (khoảng 113,93 triệu USD) để hỗ trợ AMA và các cơ quan quản lý dược phẩm thuộc các quốc gia châu Phi.

Mục tiêu là nhằm giúp các cơ quan này đạt được những tiêu chuẩn mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) quy định trong cấp độ 3 về sản xuất vaccine, vốn được xem là yêu cầu tối thiểu của WHO trong giám sát và quản lý hiệu quả về chất lượng sản xuất vaccine tại địa phương. 

Nỗ lực thành lập AMA được xúc tiến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cho thấy sự phụ thuộc của châu Phi vào nguồn vaccine nhập khẩu cũng như các loại dược phẩm khác. Số liệu thống kê cho thấy chỉ có hơn 5% lượng dược phẩm và 1% lượng vaccine mà 1,2 tỷ dân châu lục này sử dụng là những sản phẩm được sản xuất tại chính lục địa đen.

Các nước châu Phi cũng rất nỗ lực để tiếp cận nguồn vaccine Covid-19. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 10% dân số tại đây được tiêm phòng đầy đủ. Giới chuyên gia cho rằng, việc thành lập một cơ quan quản lý dược phẩm là đặc biệt quan trọng đối với châu lục này, không chỉ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện tại mà còn cả trong ứng phó các đại dịch có thể xảy đến trong tương lai.

Hiện các quy định về sản xuất và quản lý dược phẩm tại 54 quốc gia châu Phi là rất khác nhau và còn tồn tại nhiều vấn đề. Điều này đã khiến nhiều công ty dược phẩm không còn hào hứng đăng ký xét duyệt sản phẩm, dẫn đến thiếu nguồn cung nhiều loại thuốc quan trọng ở các quốc gia châu Phi. Công tác giám sát bị coi nhẹ cũng đã tạo điều kiện cho thuốc giả tràn ngập thị trường, trong đó nhiều trường hợp đã dẫn đến tử vong, khiến người dân hoài nghi về y học.

Tin cùng chuyên mục