Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả khảo sát thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, thì nghị quyết đã mang lại nhiều thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp trong kinh doanh. Thế nhưng, doanh nghiệp vẫn mong nhiều cải tiến hơn nữa, đặc biệt là giảm bớt “chi phí ngoài”…
Gửi biểu mẫu đăng ký kinh doanh qua mạng tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Môi trường kinh doanh được cải thiện
Kết quả khảo sát cho thấy, 75% doanh nghiệp đánh giá tác động của 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra trong nghị quyết là tích cực, 25% doanh nghiệp chưa nhận thấy tác động của các nhóm giải pháp. Với con số đó, cho thấy Nghị quyết 35/NQ-CP đã mang lại luồng gió mới trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Nổi bật là thủ tục hành chính được cải cách thuận tiện hơn, cắt giảm những thủ tục rườm rà; việc thanh tra, kiểm tra “tùy hứng” đã giảm… Chính phủ và lãnh đạo các cấp cũng tăng cường đối thoại, tiếp xúc, lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhìn chung, sau 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP đã tạo bước đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Các tổ chức như Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đánh giá năm 2016, Việt Nam đứng thứ 82/190 quốc gia (tăng 9 bậc) về chỉ số môi trường kinh doanh (từ vị trí 91/189 lên 82/190) với cả 5 chỉ số đều tăng hạng. Còn tổ chức Jetro cũng cho rằng, Việt Nam tiếp tục là địa điểm đầu tư quan trọng của doanh nghiệp Nhật Bản, trên 66% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh. Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cũng đánh giá Việt Nam nổi bật trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, có đến 36% doanh nghiệp Mỹ được khảo sát dự định mở rộng kinh doanh tại Việt Nam (trong khi chỉ 21% muốn mở rộng đầu tư ở Thái Lan, 19% ở Malaysia…).
5 giải pháp, 1 mục tiêu
Chỉ trong năm 2016, các nhóm giải pháp được triển khai đồng bộ và tạo ra được hiệu ứng tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp. Đó là 5 giải pháp cùng hướng về một mục tiêu là hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp kinh doanh. 5 giải pháp gồm: cải cách hành chính; tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Hiệu quả của các giải pháp được đánh giá khá khả quan, mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn xảy ra vài vụ oan sai do cán bộ công an chưa chấp hành nghiêm pháp luật, nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp. Và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, vẫn còn khoảng cách giữa chính sách và thực thi, khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn và lo lắng khi chính sách luôn thay đổi. Doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Thủ tục hành chính tuy có cải cách nhưng còn không ít vướng mắc. Chính sách pháp luật còn lỗ hổng khiến cán bộ có thể lợi dụng gây phiền hà doanh nghiệp nên nhiều doanh nghiệp vẫn phải trả “chi phí ngoài” khá cao.
5 giải pháp
Thứ nhất, giải pháp cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp: Cải cách trong các thủ tục thuế, hải quan được đánh giá cao với việc ứng dụng công nghệ thông tin, một cửa quốc gia. Một cửa quốc gia trong nước đã kết nối chính thức với 11/14 bộ và nước ngoài, kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore). Cả nước đã ứng dụng khai thuế qua mạng (đạt tỷ lệ 99,64 %), nộp thuế điện tử, giảm 85 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế so với năm trước. Tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên cổng thông tin quốc gia là 264.000 bộ hồ sơ, với sự tham gia của hơn 8.200 doanh nghiệp. Hoạt động đăng ký kinh doanh cũng tiến hành qua mạng ở mức độ cao nhất; giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; đồng thời hạn chế doanh nghiệp tiếp xúc với cán bộ, nhằm giảm tiêu cực.
Thứ hai, giải pháp tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo: Các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai mạnh mẽ, từ việc giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo… Chính sách đầu tư đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng đang được triển khai.
Thứ ba, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh: Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, từ nay đến năm 2020 sẽ cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, dự kiến chỉ còn 103 doanh nghiệp Nhà nước tập trung ở các lĩnh vực quốc phòng an ninh, xổ số, truyền tải điện, in đúc tiền, công ích, xuất bản... Việc quyết liệt cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước sẽ mở rộng thị trường, nhường chỗ cho khu vực tư nhân tham gia. Ngoài ra, các doanh nghiệp được quyền tiếp cận nguồn vốn như nhau.
Thứ tư, giải pháp giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp: Cụ thể là điều chỉnh giảm tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất và các chi phí khác của doanh nghiệp; rà soát các khoản phụ thu bất hợp lý đối với hàng xuất nhập khẩu; sẽ giám sát đối với giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển bằng đường biển của doanh nghiệp vận tải biển…
Thứ năm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp: Các hoạt động thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và kiểm toán, Thanh tra Chính phủ đã quán triệt giảm mật độ và hạn chế chồng chéo trong hoạt động thanh tra tại các doanh nghiệp. Thanh tra, kiểm tra đúng quy định của pháp luật không quá 1 lần/năm. Về nội dung, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Bộ Công an chỉ đạo thường xuyên kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong điều tra, khởi tố vụ án, nhất là các vụ án có liên quan đến doanh nghiệp...
CHẾ HÂN (tổng hợp)