Nếu thực hiện công chứng ủy quyền thì sẽ bị mất một số tiền không nhỏ so với mức trợ cấp được nhận, bởi công chứng 1 sổ (diện thân nhân liệt sĩ, có công cách mạng, chất độc hóa học, thương binh) mất 300.000 đồng lệ phí. Người có nhiều sổ thì cứ thế nhân lên. Chưa kể nếu đối tượng hưởng trợ cấp ốm đau nằm một chỗ không đi được, công chứng viên phải đến tận nơi “thực mục sở thị” thì người hưởng trợ cấp phải chi thêm lệ phí vài trăm ngàn đồng/lượt.
Đã vậy, Sở LĐTB-XH TPHCM quy định hiệu lực công chứng cho đối tượng nhận trợ cấp hàng tháng chỉ có giá trị trong vòng 3 tháng (trong khi Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định hiệu lực công chứng cho đối tượng nhận lương hưu có thời hạn 1 năm). Như vậy, việc ủy quyền nhận trợ cấp hàng tháng rất phiền hà và tốn kém, hết 3 tháng lại phải đi công chứng. Tất nhiên lại mất tiền nữa. Tại TPHCM có rất nhiều đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng, do vậy quy định này gây lãng phí biết bao thời gian, công sức, tiền bạc cho người dân và chính quyền.
Việc quy định hiệu lực công chứng cho đối tượng nhận trợ cấp hàng tháng chỉ có giá trị trong vòng 3 tháng là để phòng tránh tình trạng đối tượng hưởng trợ cấp không còn, mà người được ủy quyền nhận tiền trợ cấp vẫn lãnh. Nhưng khi đối tượng hưởng trợ cấp mất, thân nhân người hưởng trợ cấp phải ra chính quyền xin khai tử và như vậy chính quyền địa phương biết ngay sự việc.
Giả sử cấp trên cơ sở phát hiện chậm về việc đối tượng hưởng trợ cấp không còn, mà tiền trợ cấp vẫn lãnh thì vẫn có thể truy thu qua tiền trợ cấp mai táng phí, chứ có thiệt chi đâu mà phải quy định phiền hà.
Rất mong các cơ quan chức năng liên quan xét lại những quy định không cần thiết, trên cơ sở tăng cường cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, nhất là những người hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng là những người có công, cao tuổi, già yếu, “gần đất, xa trời”.