Báo cáo tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ (về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020) cho biết, các vấn đề doanh nghiệp kiến nghị chủ yếu tập trung vào việc cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (tập trung vào việc cải tiến thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, thanh tra, kiểm tra, môi trường; tinh thần, thái độ phục vụ của các công chức làm việc trong lĩnh vực trên…); giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp (tập trung vào việc đảm bảo mặt bằng lãi suất phù hợp; giảm giá thuê đất, giảm mức thu phí tại một số dự án BOT, các loại phí, lệ phí khác...).
Riêng về vấn đề gánh nặng chi phí, theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như: Singapore hay Malaysia. Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippines; chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, ở mức 39,1% lợi nhuận, cao hơn 2 lần so với Singapore…
Đây thực sự là một vấn đề rất đáng quan ngại bởi làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. “Nhiều điều kiện sản xuất kinh doanh không phù hợp, nhiều bộ, ngành, địa phương chỉ giải thích, không giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp... vẫn là những thách thức, rào cản cần giải quyết, gỡ bỏ trong thời gian tới”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra những điểm cần phải cải thiện. Chẳng hạn như, dù mặt bằng lãi suất ổn định từ tháng 9-2016 đến nay, lãi suất cho vay giảm (phổ biến 6-9% đối với ngắn hạn, 9-11% trung và dài hạn)… nhưng phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, vấn đề vốn vẫn là khó khăn của doanh nghiệp.
Đó là việc thế chấp tài sản tại tổ chức tín dụng còn nhiều khó khăn; ít doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được bảo lãnh tín dụng từ Quỹ bảo lãnh tín dụng…
Đề cập về những tồn tại trong thực hiện Nghị quyết 35, nguyên nhân quan trọng, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là nhận thức của người đứng đầu một số bộ ngành, địa phương về ý nghĩa và tầm quan trọng khi triển khai Nghị quyết 35 chưa đầy đủ, sâu sắc, dẫn đến việc triển khai chưa quyết liệt, hiệu quả; nhiều cán bộ, công chức chưa tự đổi mới tư duy, từ quản lý sang lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ…
Báo cáo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trình bày, cũng chỉ ra, vẫn còn những quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, làm phát sinh những thủ tục không cần thiết, không hơp lý, tiếp tục gây khó khăn cho việc thực hiện; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán còn chồng chéo, kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp. Điển hình có doanh nghiệp ở Đồng Nai trong 1 tháng bị thanh kiểm tra 3 lần, có doanh nghiệp ở địa phương khác bị thanh tra 12 lần/năm.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh
Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; các cơ chế chính sách phải phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế; huy động mọi nguồn lực, trí tuệ của người dân để phát triển kinh tế; tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao năng lực thực thi, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Thanh Hóa kiến nghị, cần tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức viên chức cơ sở trực tiếp làm việc với doanh nghiệp.
“Theo tôi, hiện nay phải thừa khoảng 50% cán bộ, công chức. Ở địa phương cán bộ đi chơi quá nhiều. Tránh mua quan, bán chức thì mới có thể chọn được người tài như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng”, ông Đệ nói.
Ông Đệ cũng cho rằng, “cái gì tư nhân làm được thì Nhà nước không làm nữa”; phải tạo cơ chế bình đẳng giữa bệnh viện công và tư, tránh tình trạng cái gì dễ thì công làm, khó thì đẩy cho tư.
Để giảm chi phí không chính thức, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nguyễn Văn Thân, doanh nghiệp cần xây dựng tập quán, thói quen tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, nói không với tiêu cực… Bên cạnh đó, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành, đề nghị có giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khen thưởng kịp thời các cán bộ công chức có trách nhiệm, nêu cao tinh thần phục vụ doanh nghiệp.
Để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành chỉ thị nhằm tiếp tục tăng cường triển khai hiệu quả Nghị quyết 35. Yếu tố then chốt là người đứng đầu các bộ ngành, địa phương phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc tinh thần Nghị quyết 35, chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo thực hiện một cách chủ động, quyết liệt và hiệu quả; cán bộ công chức phải thay đổi tư duy, thái độ, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Lãnh đạo thành phố cam kết sẽ có các giải pháp cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, phấn đấu đến năm 2020 thành phố sẽ có 500.000 doanh nghiệp.
Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí, cho rằng, Nghị quyết 35 của Chính phủ là cơ sở pháp lý rất quan trọng để doanh nghiệp phát triển. Nhận thức và trách nhiệm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp ở cấp trung ương rất lớn, nhưng ở địa phương còn chưa đồng bộ.
“Đề nghị Chính phủ tăng cường kiểm tra việc thực hiện ở cấp dưới, xử lý nghiêm một số trường hợp vi phạm để răn đe”, ông Trí nói.
Cũng theo ông Trí, ngành kiểm sát sẽ đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp, trong đó, có trách nhiệm bảo vệ những cách làm sáng tạo, hiệu quả của các doanh nghiệp mà pháp luật hiện hành chưa cập nhật, cần thiết kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi pháp luật để hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần nói phải đi đôi với làm và cho biết, chiều 17-5 sẽ ký Chỉ thị mang số 20 về chấn chỉnh công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp.
Đồng thời, Thủ tướng khẳng định cam kết xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Cũng theo Thủ tướng, so với hội nghị năm trước những ý kiến góp ý gay gắt đã bớt đi rất nhiều, chứng tỏ “chúng ta đã gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”.
Điểm lại những kết quả đã đạt được trong năm qua về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Thủ tướng cho rằng chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận thức rõ những tồn tại, rào cản đối với doanh nghiệp vẫn đang gặp phải. Trước hết, về thể chế chính sách (còn mâu thuẫn chồng chéo trong nhiều quy định; quy định chưa sát thực tế). Bên cạnh đó là vấn đề thuế, phí còn cao; thủ tục hành chính còn gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp dẫn đến hiện tượng “cò” thực thi chính sách; tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức; tình trạng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng; tiếp cận thị trường; hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kém hiệu quả gây phiền hà, bức xúc cho doanh nghiệp...
Khẳng định Chính phủ khẳng định sẽ xây dựng chính sách bình đẳng giữa công và tư trong hoạt động kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp... và nhấn mạnh trách nhiệm của bí thư, chủ tịch địa phương, bộ trưởng, trưởng ngành phải thực hiện những nhiệm vụ này.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, với tinh thần trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, Chính phủ sẽ tiếp tục tái phân bổ, tối ưu hóa các nguồn lực phát triển; quyết liệt thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các chi phí cho doanh nghiệp và khẳng định: “Năm nay sẽ là năm giảm phí cho doanh nghiệp”.