Giảm phát thải trong vận tải: Hành động quyết liệt hơn

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng kết quả giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.

Theo các chuyên gia, để đạt mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050, ngành GTVT cần có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn cho tất cả lĩnh vực. Trong đó, đường bộ vẫn là lĩnh vực cần tập trung do chiếm tới 80% lượng phát thải toàn ngành.

Ưu tiên chuyển đổi sang phương tiện công cộng

TS Phạm Hoài Chung, Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, cho biết, theo Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), các chuyên gia đã đưa ra nhiều giải pháp giảm phát thải khí nhà kính liên quan đến GTVT. Cụ thể, các chuyên gia đề xuất cần sử dụng năng lượng hiệu quả, giới hạn mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe cơ giới sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới; tăng hệ số tải của ô tô tải.

Bên cạnh đó, cần chuyển đổi phương thức vận tải, ưu tiên chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng, từ đường bộ sang đường sắt, từ đường bộ sang đường thủy nội địa và đường ven biển. Đồng thời, việc chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh cần được khuyến khích. Hiện giải pháp ưu tiên chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng đã và đang được từng bước triển khai.

a5b-5756.jpg
Xe điện hai bánh ngày càng được người dân hưởng ứng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Về vấn đề này, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GTVT) Trần Ánh Dương cho biết, Bộ GTVT đã có nhiều giải pháp nhằm chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng sang các phương tiện xanh, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế là, hiện tỷ lệ phục vụ nhu cầu đi lại của giao thông công cộng chưa cao; tỷ lệ xe buýt điện mới chiếm khoảng 2,8% tổng lượng xe buýt trên toàn quốc. Trong khi đó, phương tiện cá nhân vẫn tăng cao hàng năm, và việc sử dụng các nhiên liệu thân thiện với môi trường mới dừng lại ở mức thí điểm.

Tại các thành phố lớn, tình trạng ùn tắc giao thông trong đô thị vẫn diễn ra. Hơn nữa, đa phần những loại xe ô tô cũ và xe máy đang lưu hành đều không có bộ kiểm soát khí thải ra môi trường. Nhiều người tham gia giao thông tại Việt Nam còn chưa có thói quen bảo dưỡng phương tiện định kỳ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Việc các phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành, bảo dưỡng định kỳ, nhiều phương tiện cũ nát, hết niên hạn sử dụng vẫn tham gia giao thông... là những nguyên nhân làm tăng lượng khí phát thải ra môi trường với mức độ độc hại ngày càng lớn.

Thực tế này cùng hàng loạt những khó khăn vướng mắc trong chuyển đổi phương tiện xanh cho thấy, để đạt mục tiêu đề ra tại Quyết định 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT là rất khó khăn. Cụ thể, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh. Từ năm 2030, tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông sử dụng điện, năng lượng xanh.

Phải đẩy mạnh chính sách hỗ trợ

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, Bộ GTVT đã đề xuất các chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe điện, bao gồm: sách khuyến khích sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu; rà soát sửa đổi, bổ sung các quy chuẩn nhằm thúc đẩy chuyển đổi sang xe điện như Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng, nghỉ đường bộ... Thời gian vừa qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp quan tâm đến thị trường xe điện Việt Nam, chuyển đổi mô hình sản xuất phương tiện như Công ty VinFast, Hyundai Thành Công, TMT Motor…

Phương tiện giao thông cá nhân vẫn tăng mạnh

Theo số liệu mới nhất của Sở GTVT TPHCM, thành phố đang quản lý khoảng 9 triệu phương tiện giao thông, trong đó có 7,8 triệu xe gắn máy 2 bánh và gần 1 triệu ô tô, chưa kể các phương tiện của địa phương khác hoạt động tại thành phố. Trung bình mỗi ngày thành phố có gần 1.000 phương tiện đăng ký mới. Tương tự, Sở GTVT Hà Nội đang quản lý hơn 7,8 triệu phương tiện, trong đó khoảng 1,2 triệu ô tô, khoảng 6,7 triệu xe gắn máy 2 bánh. Trong khi năm 2017, toàn Hà Nội chỉ có khoảng 6 triệu phương tiện, trong đó ô tô chỉ hơn 540.000 chiếc, xe máy hơn 5,4 triệu chiếc… Theo các chuyên gia, lượng phương tiện tăng đang tạo áp lực cho hạ tầng giao thông của 2 thành phố. Tình trạng ùn tắc, ùn ứ giao thông càng làm tăng nguy cơ ô nhiễm do khí thải phương tiện giao thông gây ra.

TÂM ĐỨC

Một số mẫu ô tô điện của các hãng danh tiếng trên thế giới cũng đã được nhập khẩu về Việt Nam. Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và kinh doanh trạm sạc ô tô điện, kể cả một số đơn vị đầu tư phát triển trạm sạc bên thứ ba như: EV One, EverEV, Eboost, EVN... Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh của ngành GTVT, bên cạnh những cơ hội còn nhiều khó khăn, thách thức như: thiếu cơ sở hạ tầng, trạm sạc; giá thành xe điện còn cao; thiếu các cơ chế khuyến khích tiêu dùng, sử dụng ô tô điện; nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp về việc chuyển đổi năng lượng xanh chưa thực sự đầy đủ.

Nhiều chuyên gia khuyến nghị, cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể, rõ ràng hơn để thúc đẩy phát triển xe điện, xe sử dụng năng lượng xanh ở Việt Nam. Trong đó, cần bổ sung ngành nghề sản xuất, lắp ráp xe điện, sản xuất pin xe điện vào ngành nghề thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư. Đối với người sử dụng, cần tăng quyền ưu tiên tham gia giao thông đối với xe điện khi hoạt động trong khu vực đô thị, ưu tiên đậu xe; thiết lập các khu vực không phát thải tại vùng lõi đô thị, chỉ phương tiện không phát thải được phép hoạt động; các chính sách trợ giá khi mua xe điện, miễn, giảm lệ phí trước bạ, phí đăng ký biển số, ưu đãi vay vốn; thu phí khí thải đối với xe chạy xăng, dầu...

Chính sách trợ giá, dù không phải là giải pháp duy nhất, nhưng lại là giải pháp nhanh nhất để kích thích nhu cầu chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường của người dân, tăng độ phủ xe điện trên đường phố. Mặt khác, phải giảm được chi phí xe điện thông qua các chính sách hỗ trợ tài chính, cải thiện khả năng chi trả của người tiêu dùng và doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất vay vốn... Những chính sách này sẽ giúp thay đổi quan điểm xã hội, tạo ra những động lực mạnh mẽ để xóa bỏ những rào cản văn hóa, thay đổi nhận thức trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp.

Theo Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành GTVT, mục tiêu đến năm 2040, tại Việt Nam sẽ từng bước hạn chế, tiến tới dừng sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô, mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch sử dụng trong nước. Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trên phạm vi toàn quốc, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, Việt Nam coi phát triển GTVT bền vững với môi trường là một ưu tiên.

Trong đó, ngành xác định chuyển đổi năng lượng xanh là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng nhất trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26). Thời gian tới, toàn ngành sẽ tập trung, đẩy mạnh tái cơ cấu thị phần vận tải theo hướng giảm dần thị phần vận tải đường bộ, tăng thị phần các phương thức vận tải thân thiện với môi trường như đường thủy nội địa và đường sắt. Trong số 5 lĩnh vực GTVT, đường sắt là lĩnh vực có lượng phát thải thấp nhất. Tuy nhiên, đường sắt đang nghiên cứu thí điểm sử dụng phương tiện đường sắt sử dụng điện, năng lượng xanh trên các tuyến đường sắt hiện tại.

Từ nay đến năm 2030, ngành đường sắt sẽ tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường sắt mới theo định hướng điện khí hóa; xây dựng kế hoạch và đầu tư theo lộ trình thay thế phương tiện đường sắt cũ hết niên hạn bằng loại phương tiện có thể chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2040, ngành đường sắt sẽ dừng từng phần sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu phương tiện, thiết bị giao thông đường sắt sử dụng nhiên liệu hóa thạch; đầu tư mới và chuyển đổi phương tiện đường sắt sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng điện, năng lượng xanh. Đến năm 2050, ngành đường sắt sẽ chuyển đổi 100% đầu máy, toa xe sử dụng điện, năng lượng xanh.

Tin cùng chuyên mục