Chôn lấp rác thải: Nguồn phát thải khí nhà kính rất lớn
Ở Việt Nam, hiện nay có khoảng 70% lượng chất thải rắn đang được xử lý bằng phương pháp chôn lấp. Trong đó, con số này ở TPHCM đến 76%. Phương pháp chôn lấp gây tốn nhiều quỹ đất cũng như tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiêm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân sống gần khu vực có các bãi chôn lấp. Đây còn là nguồn phát sinh các loại khí nhà kính rất lớn gây BĐKH. Các loại khí nhà kính phát sinh trong lĩnh vực chất thải như CO2, CH4, N2O... Các nguồn phát sinh khí nhà kính chính trong lĩnh vực chất thải được ghi nhận là chôn lấp chất thải rắn; xử lý sinh học chất thải rắn; thiêu hủy và đốt chất thải; xử lý và xả nước thải.
Một nghiên cứu của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng về kiểm kê khí nhà kính đối với các hoạt động xử lý chất thải rắn trong giai đoạn 2014-2017 cho thấy hoạt động chôn lấp chất thải rắn tạo ra lượng khí nhà kính lớn nhất so với các phương pháp xử lý chất thải rắn khác. Năm 2014, tổng phát thải khí CO2 là 7,1 triệu tấn, trong đó hoạt động chôn lấp chất thải rắn đã phát thải trên 6,5 triệu tấn (chiếm 93%). Trong khi phương pháp đốt rác chỉ phát sinh 368 tấn CO2, chế biến phân vi sinh chỉ 152,7 tấn CO2. Năm 2017, tổng số lượng phát thải là 9,1 triệu tấn CO2, trong đó chôn lấp rác phát thải 8,1 triệu tấn, phương pháp đốt phát thải chỉ 647 tấn CO2, chế biến phân vi sinh 191 tấn CO2.
Theo nghiên cứu, đánh giá, ước tính tiềm năng thu hồi điện từ rác thải sinh hoạt Việt Nam có quy mô công suất ước 200-4.000 tấn/ngày, thu hồi tương đương khoảng 200MW điện. Nếu tận dụng triệt để nhiệt lượng sinh ra từ các quá trình đốt, lượng khí nhà kính phát thải trực tiếp có thể giảm tới 60% so với chôn lấp, chưa tính đến lượng giảm phát thải gián tiếp từ điện năng sinh ra. Với các thiết bị thu hồi nhiệt hiện đại có thể tận dụng hầu hết nhiệt năng thải ra để đưa trở lại quá trình sản xuất.
Định giá, phát triển thị trường carbon: Xu thế tất yếu
Bà Lưu Linh Hương, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, cho biết để có thể giảm lượng khí nhà kính phát sinh từ việc chôn lấp rác thải, các tỉnh thành cần đẩy mạnh chuyển hướng xử lý sang việc đẩy mạnh đầu tư cải tiến công nghệ xử rác bằng phương pháp đốt phát điện, ủ phân compost... Theo bà Lưu Linh Hương, giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cũng là câu hỏi mà tất cả các quốc gia đang nỗ lực tìm lời giải đáp.
Các phương án, lựa chọn giảm phát thải không những phải góp phần hỗ trợ các quốc gia đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí thải mà còn cần giữ vững, duy trì an ninh năng lượng, an ninh lương thực cũng như phúc lợi xã hội. Có thể nói, vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi các quốc gia có định hướng đúng trong công tác giảm phát thải khí nhà kính, trên cơ sở xác định các nguồn phát thải chính, lĩnh vực giảm phát thải ưu tiên, các yếu tố tác động đến lượng phát thải, từ đó đưa ra các chính sách hợp lý… tác động trên nhiều phương diện, đối tượng cũng như tạo môi trường thuận lợi để triển khai các công nghệ giảm phát thải tiềm năng. Bên cạnh các giải pháp về nâng cao nhận thức, chuyển đổi công nghệ trong quản lý, xử lý rác thải hiện nay thì giải pháp định giá carbon, thúc đẩy phát triển thị trường carbon cũng đang được Việt Nam chú trọng phát triển theo kế hoạch, hỗ trợ từ Ngân hàng Thế giới. Định giá phát thải carbon giúp ngăn chặn các hoạt động khai thác, sử dụng, tiêu dùng năng lượng quá mức bằng cách hạn chế và giảm thiểu khả năng sinh lời của các hoạt động đó.
TS Trương Đức Trí, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, cũng nhìn nhận, định giá carbon sẽ mang lại cơ hội mới cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong việc mua bán tín chỉ carbon, mở ra nhiều hướng đi mới trong việc bảo vệ môi trường và yêu cầu các cơ sở sản xuất đầu tư giảm thiểu khí thải hoặc trả tiền để mua tín chỉ carbon. Như vậy, bên cạnh mục tiêu ứng phó với BĐKH, công cụ định giá carbon còn góp phần bảo vệ môi trường, khuyến khích đầu tư phát triển sạch cũng như huy động các khoản đầu tư tài chính cần thiết để khuyến khích đổi mới công nghệ, thúc đẩy các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế carbon thấp.
Tuy nhiên, việc lựa chọn công cụ định giá carbon phù hợp với điều kiện phát triển của mỗi quốc gia là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của quốc gia, doanh nghiệp và cộng đồng. Do vậy, để định giá, hình thành và phát triển thị trường carbon, chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp như xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính, cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng lĩnh vực; đánh giá, phân tích đầy đủ các tác động cũng như cơ hội đối với kinh tế, xã hội và môi trường khi áp dụng công cụ định giá carbon, từ đó lựa chọn một giải pháp phù hợp nhất cho Việt Nam.