Trước thực trạng đó, ngành giáo dục nhiều địa phương đã chủ động tìm giải pháp nhằm đảm bảo không để học sinh thiếu SGK khi đến trường.
Phòng GD-ĐT huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) cho biết, phần lớn học sinh trên địa bàn đều là con em người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, kinh tế gia đình phụ thuộc chủ yếu vào nương rẫy nên việc bộ SGK lớp 1 năm học 2020-2021 có giá cao gấp 3 lần so với bộ SGK năm học trước, đã gây sức ép rất lớn đối với các bậc phụ huynh. Ngoài việc vận động phụ huynh đăng ký mua SGK cho con tại trường để tránh nhầm lẫn các loại sách, Phòng GD-ĐT huyện A Lưới và 17 trường tiểu học trên địa bàn đang vận động nguồn kinh phí từ các mạnh thường quân xây dựng tủ sách dùng chung cho học sinh mượn học, phòng trường hợp phụ huynh không mua được SGK cho con.
Tại Quảng Nam, thầy Nguyễn Khắc Điệp, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Trà Mai (Nam Trà My, Quảng Nam), cho hay, tại trường Trà Mai, học sinh người Kinh chiếm khoảng 30%, còn lại 70% là con em người dân tộc thiểu số. Một số phụ huynh người Kinh có điều kiện nên đã trang bị SGK cho con em mình; còn lại, do thầy hiệu trưởng đi xin tài trợ từ các mạnh thường quân. Hầu hết các trường tại huyện Nam Trà My đều đi tìm các nguồn vở, nguồn sách từ các nhà hảo tâm. Học hết học kỳ 1, nhà trường sẽ thu lại và sử dụng tiếp cho những học kỳ tiếp theo. Nhưng cơ bản, học sinh là người dân tộc thiểu số, việc giữ gìn sách còn chưa tốt nên sách chỉ dùng 1 năm là hư nên nhà trường phải đi vận động nguồn khác. Nhà trường phải tìm nguồn liên tục để hỗ trợ cho học sinh.
Tại Lâm Đồng, ông Trần Đức Lợi, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, cho biết, thời điểm hiện tại, SGK lớp 1 chương trình mới đã về các địa phương. Năm nay, áp dụng chương trình SGK mới nên sau khi thành lập hội đồng chọn SGK lớp 1, các trường làm đầu mối chủ động liên hệ với nhà cung cấp sách, tránh việc phụ huynh mua nhầm. Ngành giáo dục trong tỉnh đã vận động các nhà tài trợ được 300 bộ SGK lớp 1 mới chia về các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, cô Trần Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, đánh giá việc tiếp cận SGK mới là điều rất khó khăn do địa bàn xã có gần 90% học sinh là người dân tộc thiểu số. Các học sinh sẽ được mượn đến hết năm học, sau đó trường sẽ giữ lại cho các lớp sau. Còn tại Đắk Nông, Sở GD-ĐT tỉnh này khẳng định đến thời điểm hiện tại, 100% học sinh lớp 1 trên địa bàn tỉnh có đầy đủ SGK mới, không có tình trạng thiếu, khan hiếm sách kể cả vùng sâu, vùng xa. Ông Đoàn Văn Phương, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đắk G’Long, thông tin thêm, trên địa bàn có nhiều xã nằm ở vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn nhưng các cơ sở, đại lý vẫn đảm bảo SGK mới cho học sinh, không có tình trạng khan hiếm sách. Đối với học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh nghèo được cấp phát sách miễn phí. Đối với những trường hợp nào không mua được SGK, phụ huynh sẽ đăng ký với các trường và nhà trường sẽ liên hệ với Công ty Sách Đắk Nông để mua cho các em.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho biết, tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp cung cấp sách đến học sinh, đã có trên 50% học sinh lớp 1 nhận các bộ sách từ nhà trường. Sở đã chỉ đạo đối với từng trường học, lưu ý trang bị sách ở thư viện để những em có hoàn cảnh khó khăn chưa mua sách thì mượn sách của thư viện trường để sử dụng. Ngoài ra, các chi hội khuyến học, ban đại diện cha mẹ học sinh có thể vận động xã hội hóa để mua thêm sách tặng cho các em học sinh nghèo, khó khăn. Sở GD-ĐT tỉnh đang tổng hợp danh sách những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn để có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, đảm bảo đủ SGK cho học sinh đến lớp.
Tại Trà Vinh, bà Tăng Thị Ngọc Mai, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, thống kê, mỗi gia đình chi khoảng 500.000 đồng để mua SGK, tăng 5-6 lần so với hàng năm. Như vậy, sẽ rất khó khăn đối với những hộ nghèo, nhất là trong tình hình dịch như hiện nay. Tuy nhiên, sở đã có dự trù nên cơ bản đảm bảo được SGK. Riêng tài liệu tham khảo, sở không chỉ đạo bắt buộc mua.
Nhằm hỗ trợ các học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ vừa triển khai phân bổ SGK lớp 1 đến thư viện các trường. Nguồn kinh phí thực hiện là từ ngân sách và xã hội hóa. Theo đó, đối với trường dưới 3 lớp sẽ phân bổ 10 bộ, trường trên 3 lớp sẽ được phân bổ 20 bộ. Khi có học sinh khó khăn cần hỗ trợ, các trường sẽ dùng nguồn sách này để giúp đỡ các em. Đặc biệt, có 2 trường Tiểu học Thới Xuân 1 và Tiểu học Thới Xuân 2 (thuộc huyện Cờ Đỏ) với 112 học sinh sẽ được hỗ trợ 100% SGK lớp 1 mới. Tại Sóc Trăng, để hỗ trợ các học sinh nghèo có sách đến trường, chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên, phòng giáo dục huyện đã vận động được 310 bộ SGK lớp 1 để kịp thời hỗ trợ các học sinh nghèo, với tổng kinh phí gần 60 triệu đồng. Còn tại thị xã Vĩnh Châu, địa phương đã hỗ trợ hơn 300 bộ SGK lớp 1 cho các học sinh nghèo dịp đầu năm học mới. Bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Sóc Trăng, cho biết, sở đã có văn bản chỉ đạo các phòng giáo dục tranh thủ nguồn vận động để hỗ trợ kịp thời học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong việc trang bị SGK đầu năm học mới.