Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, chủ cơ sở giết mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi - một trong những cơ sở giết mổ heo tư nhân lớn của TPHCM cho biết, trước dịch, trung bình mỗi ngày Xuyên Á giết mổ khoảng 1.500 con heo. Khi dịch bùng phát, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, cơ sở đã đầu tư trên 100 triệu đồng để sửa chữa chỗ ngủ, khu vực vệ sinh cho công nhân, thực hiện “3 tại chỗ” để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Dẫu vậy, trong cơ sở đã phát hiện nhiều nhân viên là F0… Do đó, cơ sở quyết định tạm ngưng hoạt động để đảm bảo an toàn cho công nhân.
Còn tại Nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM, Giám đốc nhà máy Tô Văn Liêm cho biết, nhà máy vẫn hoạt động nhưng chỉ với 3/13 dây chuyền, công suất khoảng 1.000 con/ngày. Trước đó, nhà máy đã vận động công nhân ở lại sản xuất nhưng nhiều công nhân không đồng ý do lo ngại dịch bệnh. Tại Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), từ ngày 28-6 đã thực hiện “3 tại chỗ” để đảm bảo sản xuất an toàn theo quy định của TPHCM. Tuy nhiên, từ ngày 17 đến 22-7, Vissan phát hiện 43 ca mắc Covid-19, 357 người F1, 354 người F2. Vissan đã truy vết các trường hợp F1, F2 để cách ly tại khu riêng của công ty.
TPHCM có 9 cơ sở giết mổ đang hoạt động, giảm 4 cơ sở do dịch bệnh (Phước Kiển, An Nhơn, Xuyên Á, Bình Tân). Trung bình mỗi ngày các lò mổ ở TPHCM mổ khoảng 3.200 con heo, giảm 54,6% so với trước dịch. Theo Sở NN-PTNT TPHCM, các cơ sở giết mổ ngưng hoạt động do có ca mắc Covid-19 đang khẩn trương xây dựng phương án tái hoạt động, sẽ sớm ổn định thời gian tới. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, các chủ cơ sở giết mổ đều bày tỏ mong muốn thành phố sớm ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho đội ngũ công nhân của họ. Bởi lẽ, môi trường làm việc trong các cơ sở giết mổ dù được tổ chức đúng quy định vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh cao do thường xuyên ẩm ướt. Hàng ngày họ tiếp xúc với thương lái đưa heo từ các tỉnh, thành về. Thiết nghĩ, đây là yêu cầu chính đáng, bởi các cơ sở giết mổ và đội ngũ của họ cũng nằm trong chuỗi sản xuất hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân!