Cuộc sống mới ở khu định cư
Khu định cư (KĐC) thôn Đăk Á gần 10ha, xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) có 30 căn nhà xây dựng kiên cố (đã có 15 hộ dân chuyển vào sinh sống) với tổng trị giá hơn 2,5 tỷ đồng; khuôn viên đất mỗi nhà rộng 500m2 có phòng khách, phòng ngủ, phòng vệ sinh khép kín. Các hộ dân được dùng nước sạch từ 2 hệ thống giếng khoan, lắp đặt bồn chứa hoàn chỉnh và có điện lưới sinh hoạt, hệ thống điện mặt trời chiếu sáng trục đường giao thông chính.
Từ một hộ nghèo ở thôn Bù Rên, cuộc sống gia đình anh Điểu Đăk (sinh năm 1978, dân tộc S’tiêng) đã khá hơn rất nhiều từ khi về KĐC Đăk Á. Vừa có nhà cửa vừa có đất sản xuất, gia đình anh còn được trao 2 con bò giống để xây dựng kinh tế. Anh Điểu Đăk cũng được nhận làm bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Bù Gia Mập với lương tháng 10 triệu đồng. Anh nói: “Trước đây, gia đình sống du canh, du cư, phát nương làm rẫy, cuộc sống bấp bênh. Từ ngày vào trong KĐC có việc làm, thu nhập ổn định nên không còn sợ cái nghèo, cái đói”. Tương tự, gia đình ông Điểu Gấc (sinh năm 1962, dân tộc S’tiêng) đã có căn nhà khang trang trong KĐC để ở và có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng từ công việc cạo mủ cao su, không còn lo chạy vạy từng bữa ăn. Con gái ông đang là học sinh lớp 5 được Đoàn Kinh tế quốc phòng 778 nhận làm con đỡ đầu, không phải lo thiếu sách vở, đồ dùng học tập.
Ông Điểu Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Bù Gia Mập cho biết, xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn với 7.197 người, trong đó 73% dân số là đồng bào DTTS, chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo. Nhờ sự chung tay của cơ quan ban ngành, đoàn thể và Đoàn kinh tế quốc phòng 778 đóng trên địa bàn đã giúp bà con có nhà cửa, đất sản xuất, có việc làm ổn định.
Hướng tới giảm nghèo bền vững
Đầu năm 2019, Bình Phước có 4.545 hộ nghèo là đồng bào DTTS (chiếm 52,76% tổng số hộ nghèo của tỉnh), sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, hạ tầng còn hạn chế cộng với trình độ học vấn thấp, ít có cơ hội tiếp cận phương thức làm ăn mới nên đời sống khó khăn. Trước thực trạng đó, tỉnh Bình Phước đã thực hiện Chương trình mỗi năm giảm 1.000 hộ nghèo DTTS nhằm hỗ trợ nhà ở, điện, nước, nhà vệ sinh, tivi, đào tạo nghề, vay vốn và bà con được chủ động lựa chọn cách thức đa dạng hóa sinh kế để tạo việc làm, tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình.
Thôn Bình Trung, xã Phước Tân (huyện Phú Riềng) có tới 95% số dân là đồng bào DTTS, năm 2020, toàn thôn có 20 hộ thoát nghèo từ Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS. Trong đó, gia đình anh Điểu Y (sinh năm 1972) thuộc diện hộ nghèo không có việc làm ổn định nên được xét hỗ trợ 1 cặp bò giống, dụng cụ sản xuất, được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng để chăm sóc vườn điều, nhờ nỗ lực vươn lên, năm 2020 đã ra khỏi danh sách hộ nghèo. Ngoài anh Điểu Y, hàng ngàn hộ nghèo đồng bào DTTS cũng đang được tiếp cận với nguồn vốn, mô hình sản xuất hiệu quả. Đáng mừng, dù dịch Covid-19 lây lan trên diện rộng nhưng nhờ có công việc ổn định, thu nhập từ vườn cao su, điều nên địa phương chưa ghi nhận tình trạng tái nghèo trong hộ đồng bào DTTS.
Theo Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Phước, triển khai Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS (2019-2021), tỉnh đã bố trí ngân sách, vận động hơn 260 tỷ đồng hỗ trợ các hộ đồng bào DTTS, giảm 2.742 hộ nghèo DTTS (kế hoạch là 2.000 hộ), đưa hộ nghèo DTTS từ 4.545 xuống còn 1.803 hộ (chiếm 3,95% tổng số hộ DTTS); hướng tới, mỗi năm giảm 2.000-2.500 hộ nghèo đang trở thành bước đệm trong công tác giảm nghèo theo hướng nhanh và bền vững ở vùng đồng bào DTTS.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát hộ nghèo, cận nghèo và hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022- 2025 để tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình, nhất là các hộ đồng bào DTTS; kiểm tra giám sát, đôn đốc thực hiện theo kế hoạch trình UBND tỉnh báo cáo kết quả về Bộ LĐTB-XH.