Giải quyết ngập ở 22/37 tuyến đường
Tại chương trình, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, cho biết, thời gian qua, trung tâm tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm và một phần của 5 lưu vực ngoại vi trong phạm vi 550km² với khoảng 6,5 triệu dân. Đồng thời, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường TP. Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập (đạt 59,46%) so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020. Hiện nay, TPHCM đang tập trung các dự án giải quyết 15 điểm ngập còn lại. Dự kiến đến năm 2020, các dự án này sẽ hoàn thành đúng theo kế hoạch.
Tại chương trình, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, cho biết, thời gian qua, trung tâm tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập nước tại lưu vực trung tâm và một phần của 5 lưu vực ngoại vi trong phạm vi 550km² với khoảng 6,5 triệu dân. Đồng thời, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống dân sinh, bảo vệ môi trường TP. Cụ thể, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập (đạt 59,46%) so với chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2020. Hiện nay, TPHCM đang tập trung các dự án giải quyết 15 điểm ngập còn lại. Dự kiến đến năm 2020, các dự án này sẽ hoàn thành đúng theo kế hoạch.
Lý giải về nguyên nhân cứ mưa là ngập, ông Dũng cho rằng hệ thống thoát nước mưa nhỏ, xuống cấp và chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, tình trạng xả rác làm cản trở dòng chảy và lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch còn phổ biến nhưng kết quả xử lý chậm.
Góp ý tại chương trình, ông Ngô Chí Hùng, công nhân Công ty TNHH MTV thoát nước đô thị TPHCM, bày tỏ bức xúc trước tình trạng các công trình xây dựng nhà cao tầng, nhà hàng, quán ăn đều đổ thẳng chất thải xuống cống thoát nước. Các loại chất thải này, nhất là dầu mỡ để lâu ngày sẽ đóng váng, gây tắt nghẽn dòng chảy. Cùng với đó, nhà vệ sinh nơi công cộng cũng dội, xả thẳng nước thải, chất thải xuống cống. “Ở các chợ rác thải, kim tiêm, ve chai, dao… như “những chiến binh” chờ đợi người công nhân chúng tôi”, ông Hùng kể và mong muốn người dân có ý thức hơn nữa trong việc xả rác, đổ chất thải. Việc này sẽ giúp hạn chế ngập úng, góp phần làm đẹp cho TP và không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe công nhân thoát nước.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận định, những người như anh Hùng đang góp phần làm cho TP ngày càng sạch đẹp hơn. Tuy nhiên, họ làm việc trong môi trường độc hại nhưng thiếu thiết bị bảo hộ nên công việc chứa đựng nhiều rủi ro. “Với vai trò lãnh đạo HĐND TP, tôi xin lỗi những người làm công tác vệ sinh, vì chính quyền TP chưa làm được việc vận động người dân ý thức hơn trong vấn đề xả rác”, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ.
Xem xét công tác điều hành để chống ngập hiệu quả hơn
Tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến tiếp thu các ý kiến của cử tri; đồng thời cho rằng “chống ngập triệt để là vấn đề khó”. Nguyên nhân gây ngập cơ bản nhất là công tác xử lý thoát nước của TP chưa tốt.
Cùng với đó, quy hoạch thoát nước của TP đã quá lạc hậu, công tác quản lý điều hành chưa hiệu quả… Đây là những vấn đề mà TP sẽ tập trung khắc phục. Ngoài ra, TP cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi đầu tư các dự án chống ngập để tạo đột phá trong giải pháp công trình chống ngập. Đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về lấn chiếm kênh, rạch, cửa xả, hầm ga.
Phát biểu kết luận tại chương trình, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh, chống ngập là một nhiệm vụ trọng tâm của TP. Chương trình này không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP mà còn là yêu cầu rất bức thiết của người dân. Chính vì vậy, lãnh đạo TP qua nhiều thời kỳ đều quan tâm đến công tác giảm ngập và đặt yêu cầu từng bước giải quyết cơ bản ngập. Các kỳ Đại hội Đảng bộ TP vừa qua cũng đều xác định chống ngập là chương trình đột phá. Tuy nhiên, tình trạng ngập úng trên địa bàn TP vẫn gay gắt. Bên cạnh đó, nhiều công trình chống ngập có vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả không cao, thậm chí gây ngập nặng hơn. Do đó, chính quyền TP phải xem xét lại công tác điều hành; đồng thời thực hiện các giải pháp mang tính căn bản nhằm đảm bảo nước thoát nhanh, rút ngắn cho được thời gian ngập.