Người dân hưởng lợi
Với người dân sống lâu năm trên địa bàn huyện Hóc Môn, tuyến đường Tô Ký có thể nói là quan trọng nhất, nhì ở địa phương, khi kết nối giao thương, đi lại giữa vùng ven và trung tâm thành phố. Trước đây, mỗi khi mưa đến, do lòng đường nhỏ hẹp nên xảy ra kẹt xe triền miên, các phương tiện lội bì bõm trong biển nước mênh mông... Trải qua những khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, sau 3 năm thi công, đường Tô Ký đã được “thay áo mới”.
“Khi chưa được nâng cấp, tuyến đường Tô Ký có lộ giới khoảng 7-8m, rất khó khăn cho xe cơ giới lưu thông. Nay được nâng cấp bề rộng lên 25m cho 4 làn xe, lắp đặt hệ thống thoát nước, đã cải thiện đáng kể tình hình giao thông, đồng thời giải quyết tình trạng ngập nước cho khu vực”, ông Nguyễn Văn Hoàng, sống cùng gia đình trên đường Tô Ký, hớn hở.
Còn ông Nguyễn Hữu Tư, người dân xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn) tâm sự: “Nhiều năm nay, khi mùa mưa đến là người dân trong huyện phải lội nước mỗi lúc lưu thông qua đường Tô Ký. Nay con đường nâng cấp mở rộng có vỉa hè, lắp đặt hệ thống thoát nước, đường hết ngập, bà con rất vui mừng”.
Ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, huyện Nhà Bè thuộc khu vực phía Nam TPHCM, với đặc thù kênh rạch nhiều, vì vậy để phát triển giao thông liên vùng thì các công trình cầu, đường rất quan trọng. Thời gian qua, nhờ sự phối hợp tốt giữa chủ đầu tư, người dân và huyện, đã giúp cầu Phước Lộc đảm bảo tiến độ hợp long. Sau khi hoàn thành, cầu Phước Lộc không chỉ là tiền đề quan trọng kết nối giao thông 2 xã Phước Lộc và Phước Kiển, mà còn tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và liên kết với tỉnh Long An.
Giảm ách tắc giao thông, kết nối liên vùng
Sông Vàm Thuật là ranh giới lâu đời giữa quận 12 và quận Gò Vấp. Hàng chục năm qua, người dân phường An Phú Đông và một số phường của quận 12, khi có việc cần liên hệ hay đi làm ở trung tâm thành phố, đều phải đi phà để qua quận Gò Vấp, rồi di chuyển sâu vô nội thành. Người đi ô tô thì phải đi đường vòng đến khu vực ngã tư Ga (quận 12), rồi đi xuyên qua quận Gò Vấp, mất thêm cả chục cây số đường đi, trễ nải công việc.
Nhận thấy sự bất tiện trên, vào tháng 3 năm nay, BQLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố tổ chức khởi công dự án cầu sắt An Phú Đông, bắc qua sông Vàm Thuật. Cầu sắt đang hoàn thiện, người dân sống hai bên bờ sông Vàm Thuật đã rất hồ hởi.
Chị Lê Thị Lựu, có nhà trên đường Vườn Lài (phường An Phú Đông, quận 12) vui vẻ nói: “Người dân của phường đang rất mong chờ ngày cầu sắt An Phú Đông đi vào hoạt động. Cây cầu không chỉ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ quận 12 vào trung tâm, mà còn giảm chi phí đi lại của người dân. Cơ bản là bà con sắp hết cảnh phải lụy phà bấy lâu nay”.
Theo thông tin từ Sở GTVT, trong năm 2020, thành phố sẽ đẩy mạnh đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, nhằm kết nối liên vùng. Tại “vùng sâu” Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh), trong tháng 10 và tháng 11-2020, ngành chức năng sẽ tiến hành các thủ tục để khởi công nâng cấp 6 tuyến đường, gồm các đường Liên ấp 1-2-3, Liên ấp 1A-1B-2A, trục ấp 4 tổ 21-35, Liên ấp 2-3A, Bộ đội An Điền, Rạch Cầu Suối. Những tuyến đường này sẽ được nâng cấp với bề rộng khoảng 6m, thảm bê tông hoặc thảm nhựa tùy theo chủ trương, thi công hoàn chỉnh hệ thống thoát nước.
Trong giai đoạn 2021-2025, BQLDA đầu tư xây dựng huyện Bình Chánh sẽ đề xuất đầu tư nâng cấp, mở rộng 30 công trình; xây dựng mới 31 công trình, với tổng chiều dài tuyến đầu tư khoảng 86km. Còn phía Nam thành phố, huyện Nhà Bè đang chuẩn bị mở rộng đường Nguyễn Hữu Thọ từ 4 lên 6-8 làn xe; xây dựng cầu số 1, cầu Phước Kiển, cầu Bà Chiêm. Trục đường Lê Văn Lương sẽ được mở rộng thêm 15m; cầu Rạch Dơi, cầu Rạch Tôm, cầu Long Kiểng sẽ được khởi công xây dựng trong nay mai.
Theo lãnh đạo UBND huyện Nhà Bè, trong 5 năm qua, địa phương đã huy động và sử dụng nhiều nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội; chỉ riêng chương trình đường giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” đã hoàn thành 74 công trình, với tổng số vốn gần 460 tỷ đồng…
Theo các chuyên gia đô thị, việc xây dựng, nâng cấp thêm những cây cầu, đường… sẽ góp phần làm giãn dân từ trung tâm thành phố về vùng ngoại ô. Từ đó, quỹ đất khu vực ngoại thành sẽ được quy hoạch, đầu tư và sử dụng, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Mỗi lúc một cây cầu được xây dựng và hoàn thành là góp phần giảm ách tắc giao thông, mang lại bao niềm vui cho người dân.