Giảm mức thời gian phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội

Chiều 13-8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp và cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (gọi tắt là dự thảo luật).

Trước khi thảo luận về nội dung này, các đại biểu nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày tóm tắt báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều tán thành với sự cần thiết, mục đích, quan điểm xây dựng Luật và nội dung cơ bản của dự thảo luật, đồng thời tham gia nhiều ý kiến để tiếp tục hoàn thiện.

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, xuất phát từ đặc điểm của người chưa thành niên (NCTN) là người chưa trưởng thành về mọi mặt, đặc biệt là khi tham gia vào các quy trình tư pháp hình sự đều dễ bị tác động tiêu cực, nhất là khi phải đối diện với các biện pháp có tính chất cưỡng chế.

Đặc điểm trên đòi hỏi Nhà nước khi thiết kế chính sách xử lý cần có cách tiếp cận chuyên biệt, khác với người trưởng thành. Do đó, với mục đích xây dựng một đạo luật chuyên biệt và toàn diện về tư pháp NCTN thì 2 vấn đề cốt lõi là hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự cần phải được điều chỉnh trong dự thảo luật.

UBTVQH.jpg
Các đại biểu dự phiên họp, chiều 13-8

Một trong những điểm mới của dự thảo luật lần này là có sự thay đổi về số năm phạt tù đối với NCTN.

Theo đó, đối với mức phạt tù có thời hạn, dự thảo luật giảm mức phạt tù tối đa đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi còn 9 năm (hiện tại là 12 năm) và đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi giảm xuống còn 15 năm (hiện tại đang là 18 năm) .

Điều này được các giải thích nhằm đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới, đồng thời vẫn bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa.

Đối với tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan rà soát kỹ lưỡng và thấy rằng quy định như Điều 103 Bộ luật Hình sự về tổng hợp hình phạt là bất hợp lý, dẫn đến thiếu công bằng.

Thường trực Ủy ban Tư pháp và Tòa án Nhân dân tối cao thống nhất đề nghị UBTVQH cho phép chỉnh lý quy định về tổng hợp hình phạt theo hướng: không quá 12 năm tù đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và không quá 18 năm tù đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và áp dụng thống nhất với mọi tội phạm.

Về với quá trình tiến hành thủ tục tố tụng đối với NCTN phạm tội, trong quá trình Thường trực Ủy ban Tư pháp thảo luận thì 2 nhóm ý kiến đối với vấn đề này. Nhóm ý kiến thứ nhất, tán thành quy định phải tách vụ án đối với NCTN để giải quyết riêng. Đồng thời, đề nghị giao Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện. Nhóm kiến thứ hai, đề nghị quy định theo hướng cơ quan tiến hành tố tụng có thể tách riêng vụ án đối với NCTN để giải quyết.

Tin cùng chuyên mục