Giảm mạnh mức phạt
Cụ thể, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ chỉ phạt 100.000 - 150.000 đồng. Trong khi, mức phạt hiện nay (theo NĐ 155) từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Tương tự, hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định, thay vì phạt 1 - 3 triệu đồng như hiện nay thì sắp tới chỉ phạt 150.000 - 250.000 đồng. Hành vi vứt rác thải sinh hoạt, đổ nước thải không đúng nơi quy định sẽ phạt 500.000 - 1 triệu đồng, trong khi hiện nay phạt 3 - 5 triệu đồng.
Ngoài ra, hành vi điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa không che chắn hoặc để rơi vãi ra môi trường khi tham gia giao thông theo quy định mới sẽ bị phạt 2 - 4 triệu đồng, trong khi hiện mức phạt 7 - 10 triệu đồng.
Khi soạn thảo nghị định mới để bổ sung, sửa đổi NĐ 155, Bộ TNMT đánh giá việc quy định mức phạt cao đã tạo tính răn đe nghiêm khắc. Ý thức bảo vệ môi trường của người dân, doanh nghiệp được nâng lên rõ rệt. Đối với người dân, việc quy định thẩm quyền lập biên bản và xử phạt các vi phạm về xả thải tại các khu vực đô thị, khu dân cư, khu vui chơi, giải trí… cũng góp phần nâng cao ý thức và nhận thức của người dân về thu gom, phân loại, xử lý rác, giữ gìn vệ sinh môi trường ở khu đô thị, khu dân cư và nơi công cộng.
Dù vậy, trong quá trình triển khai thực hiện NĐ 155, việc xử lý một số hành vi không khả thi do không đủ điều kiện, nguồn lực thực hiện, nhất là vi phạm quy định vệ sinh nơi công cộng (vứt rác, đầu mẩu thuốc lá, tiểu tiện nơi công cộng)… Vì vậy khi bổ sung, sửa đổi, Bộ TNMT đề nghị giảm mức xử phạt để phù hợp với thẩm quyền xử phạt của lực lượng công an nhân dân. Điều này sẽ góp phần mở rộng nguồn lực để thực hiện, đảm bảo đủ điều kiện thực thi các quy định xử phạt vi phạm môi trường trên thực tế.
Giảm mức phạt, tính khả thi sẽ cao hơn
Vấn đề đặt ra là, liệu thẩm quyền xử phạt có phải là vướng mắc lớn nhất hay duy nhất trong xử lý các vi phạm về môi trường công cộng?
Tại TPHCM, trước đây Đội Quản lý trật tự đô thị quận 1 đã tạo sự chú ý khi nỗ lực xử lý các trường hợp tiểu bậy ngoài đường phố. Chỉ trong vài tuần, đội xử phạt 28 trường hợp, mỗi trường hợp phạt 200.000 đồng. Các trường hợp còn lại bị nhắc nhở, cam kết không tái phạm và phải dùng nước dội sạch khu vực mình vừa “làm bậy”. Ở một địa bàn trung tâm TPHCM, được coi là bộ mặt đô thị mà xử lý con số vi phạm như vậy là không nhỏ.
Dư luận khi đó đồng tình với cách làm kiên quyết của lực lượng chức năng đã nêu. Lực lượng kiểm tra được trang bị máy quay phim, chụp hình để ghi lại hành vi vi phạm rồi phạt. Việc xử phạt được áp dụng theo NĐ 167/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình và NĐ 179/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Sau này, NĐ 155 ra đời thay thế cho NĐ 179/2013, còn NĐ 167/2013 vẫn có hiệu lực thi hành.
Khi NĐ 155 ra đời (thay thế NĐ 179/2013) với mức phạt “khủng”, không ít người hy vọng sẽ chẳng bao lâu Việt Nam hoặc ít nhất là TPHCM sẽ sớm trở nên sạch sẽ như… Singapore. Tuy nhiên, kết quả đạt được không như kỳ vọng. Trong đó, nhiều xã, phường ở TPHCM, sau khi áp dụng NĐ 155, việc xử lý vi phạm vẫn thực hiện theo NĐ 67/2013.
Cụ thể, các địa phương vận dụng điều 7 NĐ 67/2013 phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng nếu đổ nước hoặc để nước chảy ra nơi công cộng làm mất vệ sinh chung; tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư; vận chuyển rác làm rơi vãi hoặc không đảm bảo vệ sinh. Người vi phạm còn phải khắc phục ô nhiễm, khôi phục tình trạng ban đầu.
Lãnh đạo một phường ở quận 6 cũng nhận xét, quy định NĐ 67/2013 là hợp lý và dễ thực hiện hơn. Thực tế, mức phạt theo NĐ 155 là quá cao, vượt khả năng đóng phạt của nhiều người vi phạm.
Bày tỏ đồng tình, ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, phân tích NĐ 55 có sự điều chỉnh giảm mạnh mức phạt ở một số hành vi vi phạm về môi trường công cộng. Cụ thể, có hành vi giảm 5 lần, có hành vi giảm đến 6 - 7 lần mức phạt cũ. Việc điều chỉnh giảm mạnh như vậy chứng tỏ trong 5 năm thực hiện đã phát sinh những vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn.
“Thực tế, mức phạt cao có thể đáp ứng được tính răn đe của pháp luật, nhưng cũng phải đảm bảo tính khả thi. Nếu quy định quá cao mà không thực hiện được sẽ làm ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật. Hoặc cũng có thể dẫn đến tình trạng nếu ra quyết định xử phạt mà không thực hiện được thì người ra quyết định cũng có phần e ngại. Theo tôi mức phạt hợp lý, nhưng được thực hiện thật nghiêm, công bằng thì sẽ giảm được các hành vi vi phạm”, ông Triệu Đỗ Hồng Phước nhận xét.
Tăng cường xử phạt qua camera Hiện nay, TPHCM đang tiếp tục thực hiện Chỉ thị 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về vận động người dân không xả rác ra đường, kênh rạch vì TPHCM sạch và giảm ngập nước. Qua đó, tình trạng xả rác bừa bãi đã giảm đáng kể. Nhiều điểm đen về rác được xóa bỏ. Một số trường hợp vứt rác bừa bãi không đúng nơi quy định đã bị xử phạt vi phạm. Theo UBND quận 12, việc xử lý vi phạm có sự góp công rất lớn của hệ thống camera quan sát. Trước tiên là nhắc nhở trực tiếp, nhắc nhở qua tổ dân phố, cuối cùng là phạt tiền thông qua hình ảnh ghi nhận được. |