“Giảm lượng lúa giống gieo sạ là chìa khoá dẫn đến thành công cho hạt gạo Việt Nam”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị Sơ kết sản xuất vụ thu đông, vụ mùa, năm 2022; triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2022-2023 vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL, ngày 22-9, tổ chức tại Cần Thơ.
Theo báo cáo từ Sở NN - PTNT vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL, diện tích sản xuất lúa năm 2022 ước đạt 4,12 triệu ha, sản lượng lúa đạt trên 25,5 triệu tấn. Tại hội nghị, đại diện Cục Trồng trọt, các viện, trường và lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh trong vùng đánh giá những mặt được và chưa được của sản xuất trong năm 2022. Trong đó, ngành sản xuất lúa đã có những cố gắng dù diện tích trồng lúa giảm nhưng sản lượng lúa vẫn ổn định.
Đáng chú ý là việc 400.000ha lúa ở vùng thường xuyên bị hạn, mặn đe dọa đã thích ứng sản xuất an toàn. Việc nông dân ứng dụng cơ giới hoá khâu gieo sạ qua các drone cũng giảm đáng kể lượng giống. Kết quả lượng giống lúa gieo sạ nhỏ hơn 100 kg/ha đang có chuyển biến tích cực, lượng giống gieo sạ lớn hơn 150 kg/ha có chiều hướng giảm, xu hướng 120 – 130 kg/ha đang được triển khai tại các tỉnh. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra còn chậm.
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết: “Chìa khóa để giảm chi phí sản xuất lúa gạo đó là giảm lượng giống gieo sạ xuống còn khoảng 80kg/ha là điều cần thiết và phải thực hiện cấp bách. Khi giảm lượng lúa giống, các chi phí cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chi phí cho bơm tưới sẽ giảm theo, lợi nhuận của nông dân tăng lên”.
Ông Lê Thanh Tùng cho biết thêm, ý nghĩa lớn hơn của việc giảm lượng giống gieo sạ là tăng tính cạnh tranh về xuất khẩu gạo. Đồng thời, khi giảm lượng giống gieo sạ kéo theo việc giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ giúp mức độ an toàn thực phẩm tăng lên, tạo thuận lợi cho việc đạt các tiêu chí của các quốc gia nhập khẩu khó tính, như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đó là cơ hội để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam an toàn, thân thiện tốt hơn.